Thứ Tư, 16 tháng 10, 2019

Dạ Tiệc Gây Quỹ Cứu Trợ TPB VNCH Tại Sydney

Dạ Tiệc Gây Quỹ Cứu Trợ 
TPB VNCH Tại Sydney 
13/10/2019




Hai Người Phụ Nữ và Một Tấm Lòng Vàng

Không hiểu tôi có đa sầu đa cảm hay không ? Sao cứ mỗi lần trông thấy cảnh, các anh thương phế binh QLVNCH ở quê nhà, phải lê đôi nạng gỗ trên hè phố, người thì mất một chân, người mất hai chân, người thì đui mù, người thì mất cả tay lẫn chân, đến bây giờ các anh vẫn còn phãi lê tấm thân tàn tạ trên các nẻo đường quê hương, mưu sinh bằng từng tấm vé số, cứ chiếu đến đoạn phim ấy, cổ tôi lại nghẹn...và cảm thấy mình mặn môi. Tôi nhớ, có một lần tôi gọi điện thoại về VN để phỏng vấn cha Lê Ngọc Thanh của dòng Chúa Cứu Thế, các cha rất vui mửng khi xây được một dãy nhà gồm 6 căn, để cho các anh thương phế binh ngủ qua đêm trong vườn rau Lộc Hưng, sau một ngày mệt nhoài đi bán vé số.
Thế rồi giấc mơ ấy chỉ được gói trọn chưa đầy 6 tháng, thì đã bị chính quyền Cộng Sản ủi xập vào đêm mùng 9/1/2019. Mười tám tấm thân già lại vất vưởng, đi thuê nhà để trú ngụ qua những đêm mưa. Chưa xong, sau đó nhà cầm quyền cộng sản lại gây áp lực cho các chũ nhà trọ, không cho các anh thương phế binh được thuê mướn nhà, khi họ biết được các cha dòng chúa cứu thế đang giúp đỡ quí anh. Nghe cha Trương Hoàng Vũ kể, mà lòng tôi buồn vô hạn, sao lại có những hạng người thù dai đến như thế ? 44 năm đã qua, tưởng rằng đã quên, nhưng họ vẫn nhớ ? nhớ để trả thù các anh ?
Tôi nhớ không lầm thì cách đây gần 3 năm.Vào ngày 19 tháng 12 năm 2016, trong lúc phỏng vấn và làm phóng sự cho đài SBTN: Khoa học gia Dương Nguyệt Ánh có nói với tôi rằng: “Các anh thương phế binh chính là chủ của những món nợ ân tình, mà chúng ta đã vay ngày trước. Dù bây giờ, các chủ nợ không còn khả năng để đòi, thì chẳng lẽ mình đành lòng quịt luôn món nợ ân tình ấy ?” . Từ ngày ấy, tôi đã nguyện với lòng, là sẽ làm hết mình với khả năng có được, để giúp cho các anh thương phế binh bằng cách này hay cách khác, để có được 1 niềm an ủi cho những ngày cuối đời.
Tối hôm Chủ Nhật vừa qua, trong chương trình gây quĩ cho Thương Phế Binh QLVNCH tại nhà hàng Crystal Palace, lại một lần nữa, ban tổ chức lại chọn anh Hoàng Nam giám đốc Đài Radio 2VNR và tôi, để giao cho công việc làm MC cho buổi đấu giá tối hôm ấy. Hai anh em chúng tôi, hy vọng đã hoàn tất xong sứ mệnh này, tôi ghi nhận một điều tối hôm ấy đó là, mọi người điều làm việc tất bật, nhưng trên môi luôn nở một nụ cười rất tươi, và tối ấy có rất nhiểu những tấm chân tình cho đi và không cần đáp trả, và một câu chuyện đẹp nhất, bây giờ tôi xin được kể cho các bạn cùng nghe
Trong những món quà được mang ra đấu giá tối hôm ấy, theo tôi, món quà có ý nghĩa nhất chính là 2 bức tranh với hai chủ đề: Cuộc Hành Trình Vượt Biển và Giọt Nước Mắt Cho Người ra Đi, sau khi tôi và anh Hoàng Nam giới thiệu về tiểu sử của 2 bức tranh xong, cuộc đấu giá bắt đầu, cô Mỹ Duyên giơ tay với giá $1000 đồng. Tôi xin được nhắc lại, cô Mỹ Duyên là một thương gia, hào phóng nhất đối với các anh em Thương Phế Binh, mẹ Duyên là bác Nên (Trưởng Khối 1706), tôi còn nhớ trong Đêm Đại Nhạc Hội Gây Quĩ cho thương phế binh vào năm 2016, Mỹ Duyên đã là người đấu giá cây đàn guitare trị giá 15 ngàn Úc Kim.
Trở lại câu chuyện đấu giá bức tranh, sau khi Mỷ Duyên ra giá $1 ngàn, thì bác sĩ Trần Thị Xuyên giơ tay và ra giá $1200, được biết, trước đó nữ bác sĩ Xuyên đã là người giơ tay sau cùng để lấy chai Remy Martin với giá $1600 Úc kim. Lúc ấy anh Hoàng Nam và tôi cứ ngỡ rằng: Cô Mỹ Duyên và bác sĩ Xuyên yêu cặp tranh Thuyển Nhân này, nên cứ nài nỉ 2 chị lên giá, thế là con số được 2 chị nâng lên đến $2200 cho cặp tranh này, đột nhiên tôi thấy chị bác sĩ Xuyên đứng dậy, đi vể hướng sân khấu, tức phía tôi, theo phản ứng tự nhiên, tôi biết chị Xuyên muốn nói 1 điều gì, tôi không ngần ngại trao Micro cho chị, lúc ấy bác sĩ Xuyên bằng một giọng Bắc 54 rất nhỏ nhẹ quay về hướng cô Mỹ Duyên và nói rằng: “ Duyên ơi ! Em cho chị đề nghị như thế này nhé, em đồng ý giá $2200, bây giờ chị đồng ý giá $2300, hai chị em mình, gom số tiền ấy lại thành $4500, mình gữi tặng hết cho các anh em thương phế binh Duyên nhé”.
Câu nói vừa dứt, tất cả mọi người trong nhà hàng đều sửng sờ và đáp trả lại bằng những tràng pháo tay vang dội, cô Mỹ Duyên cũng vừa đứng lên đi đến chỗ bác sĩ Xuyên và ôm hôn chị như một nghĩa cử đồng ý với lời đề nghị ấy, tôi và anh Hoàng Nam đứng trên sân khấu ngỡ ngàng nhìn hai người phụ nữ ấy, ôm nhau vào lòng, trao cho nhau bằng nụ cười trìu mến. Viết tới đây, các bạn có đồng ý cho tôi đặt tên bài viết này là “ Hai Người Phụ Nữ và Một Tấm Lòng Vàng” hay không ?
Vi Mạnh viết tại Sydney 2019