NGƯỜI YÊU DƯƠNG THẾ
Phạm Gia Đại
(Câu chuyện tình thuộc loại Liêu Trai Chí Dị
"Yêu Người Dương Thế" được trích đăng từ Chương Mười trong cuốn
Hồi Ký "Những Người Tù Cuối Cùng" của tác giả Phạm Gia Đại.)
Thật khó mà diễn tả cho hết được cái vẻ đẹp
của mùa Thu trên đất Bắc. Nó mong manh như sương khói, yểu điệu như nàng thục
nữ ngồi ngắm bóng mình bên hồ Sen, bàng bạc như quyện vào từng chiếc lá vàng
rơi rơi bay bay theo từng cơn gió chiều nhè nhẹ đìu hiu trên con đường làng quê
nghèo mộc mạc.
Bởi thế, mùa Thu đã tạo nên nguồn cảm hứng cho
bao nhiêu văn nhân thi sĩ sáng tác ra bao nhiêu áng thơ tuyệt tác cùng những
truyện tình lãng mạn làm cho lòng chúng ta không khỏi thổn thức mỗi độ Thu về.
Đúng vậy mùa Thu đã về rồi đó, riêng đối với
những người tù thì mùa Thu là một mùa không phải là đẹp nhất trong năm nhưng là
một khoảng thời gian mà thời tiết mát mẻ dễ chịu nhất sau ba tháng Hè nóng như
nung người trong lò lửa. Đây cũng là thời gian mà anh em chúng tôi lấy lại
được một phần sức khỏe để dự trữ và chuẩn bị chống đỡ lại sự tấn công đáng sợ
của cái lạnh kinh người cho một mùa Đông nữa sắp đến.
Thời gian này chúng tôi thích nhất vì như được
tắm mình trong một vùng không gian bao la mát rượi xen lẫn ít cái se se lạnh
báo hiệu của một mùa Đông. Ban đêm cũng chỉ cần đắp cái chăn ngang bụng và dễ
đi vào giấc ngủ sau một ngày mệt nhọc.
Mùa Xuân cũng đem đến cho người tù một khoảng
thời gian ấm áp sau những đêm Đông lạnh giá, nhưng có lẽ không có mùa nào trong
năm lại gây nhiều nhung nhớ sâu đậm như mùa Thu nơi xứ Bắc, nhất là khi khoác
trên người bộ áo tù nhưng mắt thì vẫn dõi theo những cụm mây trôi dần trôi dần
về phía chân trời vô định.
Chúng tôi đang chia ra thành từng toán nhỏ năm
bẩy người để cùng đạp đất. Tôi vào cùng nhóm với các anh cấp Đại Úy như anh
Trung Pháo binh, anh Thế, Cảnh, Tâm, Châu vừa lao động vừa kể lại chuyện ngày
xưa để giết thời gian và cũng để quên đi cái hiện tại nhọc nhằn. Mỗi người một
câu chuyện trò rôm rả và chúng tôi như tìm được những nụ cười hiếm hoi lẫn
trong những giọt mồ hôi vất vả, dù là trời đã sang Thu. Tôi nhìn các anh và
chợt có ý kiến là mỗi người sẽ kể về mình một câu chuyện tình. Mỗi ngày một
người được làm "máy" tức là đóng vai máy quay phim "chiếu"
lại một khúc phim tình nào đó mà mình từng đóng vai chính. Thế là tôi được nghe
những câu chuyện tình thật đẹp thật và ngộ nghĩnh của các bạn mình, được dịp
thả hồn mình đi mơ mộng theo từng tình tiết của câu chuyện hay bật ra những
tràng cười thoải mái về những sự ngây ngô của mình khi mới bước chân vào tình
yêu của thời sinh viên mới lớn lên tại Sàigòn hay trong quân ngũ.
Qua đi gần hết một vòng, người cuối là anh
Trung, dáng anh nhỏ người da ngăm đen, tính tình thật hiền lành và dễ mến của
người miền Nam, nhưng cười rất có duyên và cách kể chuyện của anh lại hấp dẫn
nhất trong nhóm.
Anh Trung nhìn tụi tôi rồi nói hơi tếu một
chút:
- Tui chẳng có chuyện gì để kể hết à! Đi lính
quen bà xã rồi lấy nhau vậy thôi, hổng có gì nữa để kể. Vậy là hết.
Dĩ nhiên là mọi người đều không chịu một câu chuyện
quá ngắn và có vẻ chạy làng như vậy cho nên cuối cùng không tránh né được, anh
Trung đề nghị là để đền bù, anh sẽ kể một câu chuyện có thật nhưng rất kỳ lạ và
đầy bí ẩn của một người bạn của anh vừa mới xẩy ra trước khi anh chuyển trại về
đây, mà chính anh cũng không biết đoạn kết của câu chuyện tình này sẽ ra sao
nữa.
Giọng anh trầm trầm hẳn xuống và ngay lập tức
tụi tôi bị cuốn hút vào câu truyện đầy tính liêu trai này...
... "Buổi sáng hôm ấy sương mù dày đặc
trắng xóa cả bầu trời, hình như mây mù từ những nơi khác trong lòng thung lũng
đều kéo nhau tụ cả về đây. Những ngọn núi chung quanh khu vực liên trại Hoàng
Liên Sơn này cũng chỉ ẩn hiện mờ mờ trong một mầu trắng đục.
"Cách xa chỉ năm thước cũng không nhìn
thấy được mặt người. Cảnh vật nhạt nhòa trong sương khói như làm cho bầu không
khí thêm phần ảm đạm, làm tăng thêm cái rét căm căm của mùa Đông miền Bắc. Cái
lạnh thì xuyên thấu qua từng chiếc áo rằn ri mầu hoa rừng, qua luôn lớp áo lót
bên trong và thấm vào từng sớ thịt của những sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa, người
tù chính trị trong trại giam cộng sản. Vì sương mù nếu xuất trại ra lao
động có thể tù dễ trốn trại cho nên tất cả chúng tôi được lệnh ở lại trong trại
sáng hôm đó.
"Chẳng ai bảo ai chúng tôi đều vào buồng,
leo lên chỗ nằm ngả lưng xuống nghỉ ngơi cho khỏe hoặc nấu ít trà nóng uống cho
đỡ lạnh. Mỗi khi mà được nghỉ lao động là đều có lý do nếu không vì sương mù
như hôm nay thì hoặc là mưa quá lớn, hay có thể là chuẩn bị di chuyển trại
giam, hay là cái gì nữa không đoán trước được. Bởi vậy người tù lúc nào cũng
phải chuẩn bị tinh thần cho những gì xấu nhất có thể xẩy tới cho mình bất kỳ
lúc nào, tuy trong lòng luôn cầu nguyện những gì tốt đẹp nhất sẽ đến.
"Khoảng một tiếng đồng hồ sau bỗng có
hàng loạt bộ đội vào sân trại ra lệnh cho tất cả tù nhân đem hết tư trang ra
ngoài sân để khám xét. Cái điều khó chịu ấy cứ sáu tháng lại tái diễn một lần
và họ lựa đúng vào những dịp tù được nghỉ lao động để khám xét mục đích không
cho chúng tôi được nhiều thời gian riêng cho mình và đưa chúng tôi vào tình thế
luôn bị động.
"Mục đích của khám xét để xem tù nhân có
tàng trữ những gì trái với nội quy của trại không như vật nhọn, muối, tiền mặt,
kinh sách tôn giáo, "nhạc vàng"?
"Mỗi lần như vậy Trung nhận thấy mình lại
mất đi một vài thứ, lúc thì cái muỗng bằng bạc dùng để ăn cơm, lúc thì con dao
cùn dùng để cạo râu. Còn những thứ thực sự có giá trị như đồng hồ, nhẫn vàng,
tiền mặt ngay từ lúc đầu bước chân vào trại giam họ đã tịch thu dưới danh nghĩa
là trại "quản lý" dùm cho các anh khi nào được tha về sẽ trả
lại. Mỗi lần như vậy, đám cán binh và đám bộ đội trực trại khám thật kỹ từng
người một, từ cái lai quần đến ve áo trên người cho đến chăn mền quần áo, từng
chỗ nằm của mỗi người ngay cả vết nứt trên tường.
"Trung khoanh tay đứng nhìn một cách hờ hững
vì anh chẳng còn gì để bọn họ tịch thu nữa mà phải lo nghĩ, bên cạnh anh các
bạn cũng từ từ cuốn chiếc chiếu lại đem vào buồng giam.
"Vừa cuốn chiếc chiếu Trung vừa nhìn qua
Tuấn, người bạn bên cạnh anh đang bị tên trực trại hạch hỏi về chiếc dây chuyền
kết bằng những sợi chỉ ngũ sắc bện với nhau rất đẹp mà Tuấn đang đeo trên cổ.
"Tuấn cố giải thích đó là kỷ vật của gia
đình nhưng tên bộ đội còn trẻ măng vẫn không nghe, nhất định tịch thu sợi dây
chuyền ngũ sắc ấy của anh. Có thể mỗi đợt kiểm tra như thế này xong bọn chúng
phải tìm nộp cho cấp trên một số tang vật bất cứ thứ gì của người tù để lập
công cho nên chúng cố tịch thu càng nhiều càng tốt.
"Ngày hôm sau trên đường đi lao động vào
rừng đốn gỗ cho trại Trung thấy Tuấn lộ vẻ đăm chiêu và lo lắng không yên nên
anh hỏi:
"- Sao thấy cậu có vẻ lo lắng chuyện gì
thì phải?
"- Ừ! Đêm qua mình lại nằm mơ thấy bà xã
của mình, bà ấy khóc quá nói là mấy năm nay đi tìm kiếm mình khắp nơi mà không
gặp.
"- Ủa! Mình tưởng là cậu còn độc thân
chứ? Nhưng như vậy cũng là vui rồi, không gặp được người thực ở ngoài đời thì
gặp người trong mộng cũng là vui và an ủi rồi còn gì?
"- Không phải vậy đâu! Mình vẫn còn độc
thân nhưng bà ấy là bà xã trong mộng của mình mà thôi nhưng câu chuyện dài lắm
để mình kể cho cậu nghe...
"Thế rồi Tuấn từ từ kể lại cho Trung nghe
về cuộc đời và mối tình kỳ lạ của mình ngày còn trong quân ngũ.
"…Thời gian ấy sau cuộc tổng tấn công của
Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa qua Kampuchia phá hủy hầu hết các căn cứ hậu cần của
Việt Cộng và quân Bắc Việt tại Kompong Cham, Kompong Sap, Kratie,
đơn vị của Tuấn tháp tùng sư đoàn trở về vùng đồng bằng sông Cửu Long, miền Nam
trong chiến thắng oai hùng và Tuấn được thăng cấp Trung Úy. Sau đó đơn vị của
Tuấn được lệnh đi hành quân tảo thanh diệt địch, tạm thời trú đóng bên cạnh một
con sông nước trong vắt với hàng dừa xanh thật là thơ mộng.
"Rồi một hôm, một biến cố đã xảy ra trong
một ngày định mệnh làm đảo lộn hết cả cuộc đời binh nghiệp của anh.
"Hôm đó, đơn vị Tuấn dừng lại đóng quân
cạnh một làng nhỏ nằm ven sông thì binh lính dưới quyền báo tin có một xác
thiếu nữ trôi sông vừa dạt vào bờ. Tuấn vội chạy ra xem, anh thấy một thiếu nữ
tuổi chừng mười tám hai mươi tuyệt đẹp trong chiếc áo dài màu trắng nữ sinh,
làn tóc thề lòa xòa che mất một phần của khuôn mặt trái xoan, nằm mấp mé bờ
sông, nàng chết mà như đang trong giấc ngủ, có vẻ đẹp quí phái của con người
tỉnh thành chứ không phải thôn dã.
"Anh ra lệnh cho binh sĩ khiêng nàng lên
bờ và cho lính vào trong làng hỏi thăm xem có ai biết tông tích người con gái
này ra sao để báo tin cho gia đình nạn nhân đem về mai táng. Anh buột miệng
khen một câu:
"- Người đẹp như vậy mà chết uổng quá!
Giá mà còn sống lấy mình thì thật là đẹp đôi.
"Không biết có phải vào giờ linh hay nàng
sống khôn chết thiêng hay sao, ngay tối hôm đó Tuấn nằm mơ thấy nàng hiện về và
hai người bắt đầu quen nhau. Kể từ hôm đó, hễ đặt lưng nằm xuống Tuấn lại thấy
nàng hiện ra ngay trong giấc mộng trong suốt chặng đường hành quân của anh hay
khi về phép y như một đôi tình nhân vừa quen nhau trong một khung cảnh hệt như
thương xá Tax và hàng quán phố phường trên đường Lê Lợi tại Sàigòn vậy. Giấc mơ
này nói tiếp giấc mơ kia y như những chương trong một cuốn tiểu thuyết lồng
trong một mối tình thật nên thơ lãng mạn.
"Anh đặt tên cho nàng Mộng Điệp, anh mơ
thấy mình mặc quân phục về phép Sàigòn, tình cờ gặp nàng rồi làm quen trên
đường nàng đi học về trong tà áo nữ sinh tha thướt. Ai đi ngang qua cũng trầm
trồ là hai người thật đẹp đôi.
"Những ngày sau, anh lái xe gắn máy đến
trường đón nàng mỗi khi tan học, hai người chở nhau đi chơi, đi xem xi nê, ăn
uống và chở nàng về nhà của mẹ nàng bên cầu Thị Nghè.
"Tình yêu nảy nở lúc nào không hay giữa
trai tài gái sắc, hai người trao nhau nụ hôn đầu tiên trong vườn Bách Thảo rồi
bàn tính chuyện hôn nhân. Anh rất mừng là mẹ nàng cũng tán thành và tác hợp cho
đôi lứa.
"Anh mơ thấy mình tổ chức đám cưới với
Mộng Điệp. Đám cưới thật vui với đầy đủ lễ nghi đón dâu, đãi tiệc tại nhà hàng
có cả xác pháo hồng và áo cưới cho cô dâu về nhà chồng.
"Lúc đó tại thị xã nơi đơn vị Tuấn đóng
quân, các cô bán hàng mỹ phẩm, quần áo phụ nữ rất ngạc nhiên khi thấy Trung Úy
Tuấn thường đến cửa hiệu của họ mua những quần áo kể cả đồ lót cho phụ nữ và đồ
trang sức nữa. Ở cái thị xã nhỏ như vậy ai cũng biết chàng trung úy đẹp trai
anh hùng này vẫn còn độc thân nhưng mỗi khi các cô hỏi chàng mua tặng cho ai,
Tuấn chỉ cười lắc đầu chứ không trả lời.
"Rồi chiến trận lan tràn khắp nơi trên
quê hương miền Nam, Tuấn bị cuốn hút vào cuộc chiến không có thì giờ để nghĩ
đến một chuyện gì khác nữa ngoài những cuộc hành quân liên miên diệt trừ cộng
phỉ. Nhìn những xóm làng nằm trong vùng "xôi đậu" bị Việt Cộng
thiêu rụi với những xác dân lành vô tội bị giết vì đã không theo chúng, hay
những cây cầu đoạn đường bị phá hoại mà Tuấn không khỏi uất hận bọn cộng nô
và bùi ngùi cho đất nước đau thương của mình.
"Cuộc sống hạnh phúc của vợ chồng Tuấn và
Mộng Điệp kéo dài thật êm đêm trong những giấc mộng nối tiếp nhau suốt một năm
trời như vậy trong từng giấc ngủ cho đến một hôm một nhân vật huyền bí khác
xuất hiện làm thay đổi hẳn đời sống của chàng sĩ quan trẻ.
"Một ngày thật đặc biệt với Tuấn, hôm đó
sau cuộc hành quân truy lùng diệt địch thật vất vả gian nguy trong vùng sình
lầy của đồng bằng sông Cửu Long, đơn vị của Tuấn di chuyển ngang qua một ngôi
làng rất nhỏ có lẽ chỉ vài chục nóc nhà tranh. Anh thấy một cụ già đang đứng
trước ngôi làng như đang chờ đợi ai. Khi anh đi tới bất ngờ cụ bước ra nói với
các binh sĩ là muốn gặp anh.
"Tuấn cho đại đội dừng quân lại, phát cho
dân làng một số thực phẩm khô, đồ hộp Quân Tiếp Vụ mà đơn vị anh mang theo và
anh đi theo bà cụ vào trong làng.
"Vừa bước chân vào ngôi nhà tranh của bà
cụ, Tuấn rất ngạc nhiên vì hình như bà cụ đã biết anh từ trước. Cụ bà tuy đã
luống tuổi nhưng trông còn tinh anh và nhanh nhẹn. Cụ nói rất từ tốn rằng tối
hôm qua cụ nằm mộng thấy một ông già râu tóc bạc phơ báo cho cụ bà ngày hôm nay
ra đón anh sẽ hành quân qua làng, và phải lo chữa bệnh cho anh. Bà cụ nói rằng
anh đang bị ám khí rất nặng, nếu không chữa trị kịp thời có thể nguy hiểm đến
tính mạng. Anh thường hay làm những điều phước thiện giúp đỡ binh lính và dân
chúng cho nên cụ được lệnh phải cứu giúp anh.
"Mới đầu Tuấn không hiểu nhưng sau anh
chợt nhớ ra người vợ Mộng Điệp của mình và kể cho bà cụ nghe từ đầu đến cuối câu
chuyện. Bà cụ trầm ngâm một lúc rồi nói rằng rất may anh gặp được cụ, cụ có thể
chữa bệnh ma ám này cho anh vì anh đang nhuốm bệnh suốt hơn năm qua mà không
hay. Lúc này Tuấn mới hiểu rằng tại sao sức khỏe của anh sa sút da mặt xanh hẳn
đi như người bị mất máu, trước kia anh cứ nghĩ vì các cuộc hành quân gian khổ.
Hóa ra cuộc tình giống như truyện trong Liêu Trai Chí Dị mà anh đã đọc hồi xưa
đã tàn phá sức khỏe của anh trông thấy.
"Bà cụ lấy một chén nước sắc bằng những
lá rừng, làm phép trên đó, để lên một cái bàn thờ nhỏ trong nhà thắp một nén
nhang, bảo anh uống chén nước đó. Xong rồi, cụ cho anh một cái sợi dây chuyền
bện bằng những sợi chỉ ngũ sắc rất đẹp và bảo anh là luôn luôn phải đeo trên cổ
không được xa rời thì người vợ ma kia sẽ không còn hại anh được
nữa.
"Điều lạ lùng kể từ ngày anh đeo sợi dây
chuyền ngũ sắc trên cổ, anh không còn gặp lại người vợ trong mộng nữa. Không
những thế, hình như sợi dây chuyền này cũng che chở và đem may mắn cho anh
trước lằn tên mũi đạn của quân thù.
"Thời gian thấm thoát thoi đưa cho đến
một hôm anh chợt nhớ đến vị ân nhân của mình khi hành quân gần ngôi làng cũ và
ghé vào thăm bà cụ ngày trước đã cứu mạng cho anh. Khi gặp lại thì cụ rất là
vui mừng y như người mẹ gặp lại đứa con còn an lành sau những ngày tháng hành
quân gian khổ.
"Cụ kể cho anh nghe một câu chuyện anh
cũng không tin vào tai mình nữa. Khoảng vài tuần trước, cụ đi qua chợ phiên
làng bên, bất thình lình một người đàn bà mặt mày đỏ gay xông lại xỉa xói chỉ
tay lung tung vào mặt cụ còn xấn xổ tính hành hung cụ nữa, và bảo rằng cụ đã
cướp người chồng của chị ta. Cụ đã biết người phụ nữ bị ma nhập đó là ai rồi
nên cụ rút cái cây roi mây trong giỏ ra, bảo chị ta không được hỗn nếu không cụ
sẽ bắt nhốt vào trong cái giỏ này. Nghe thấy vậy, người đàn bà kia chợt thụt
lui, không còn la hét nữa rồi cúi đầu cum cúp rảo bước đi mất ra khỏi chợ.
"Cụ hỏi anh có biết người phụ nữ đó là ai
không. Cụ nói ngay với anh rằng chính người vợ trong mộng của anh đã nhập vào
người đàn bà đó để làm dữ với cụ vì cụ đã làm phép cho anh không còn bị ma ám
nữa nên chị kia đã không tìm thấy anh.
"Những năm tháng sau đó khói lửa khắp
nơi, người Sàigòn bắt đầu làm quen với những địa danh như Tống Lê Chân, Khe
Sanh, Mùa Hè Đỏ Lửa tại Quảng Trị, Đông Hà, An Lộc Tử Thủ, Đại Lộ Kinh Hoàng
với hàng ngàn đạn pháo của quân Bắc Việt dọc theo Quốc Lộ 1 đã tàn sát bao
nhiêu thường dân vô tội và gia đình của họ khi di tản từ miền Trung vào miền
Nam lánh nạn. Đơn vị của Tuấn đã liên tiếp chiến thắng lẫy lừng đem lại niềm
hãnh diện cho Trung Đoàn và được Trung Đoàn khao quân và tưởng thưởng nhiều huy
chương cao quí của quân đội.
"Một điều bất hạnh cho người Quốc Gia là
đồng minh Hoa Kỳ đã quyết định bỏ rơi họ đơn độc chiến đấu trong tình trạng
thiếu súng đạn nhiên liệu trước một kẻ thù hung hãn khát máu đang được yểm trợ
đắc lực bởi Nga Sô, Trung Cộng và khối Đông Âu.
"Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa một quân đội
anh hùng đã vì thế mà mất đi dần ưu thế trên chiến trường. Chiến đấu cơ không
còn đủ xăng nhớt để hoàn thành những phi vụ, pháo binh cũng không còn đạn pháo
để yểm trợ cho quân bạn như xưa nữa và điều gì phải đến đã đến.
"Ngày 30 Tháng Tư năm 1975, Miền Nam sụp
đổ rơi vào tay cộng sản. Tuấn cũng như hàng triệu quân dân cán chính
khác của chế độ Việt Nam Cộng Hòa sa chân vào chốn lao tù. Sau những lần chuyển
trại trên đất Bắc, tình cờ Tuấn gặp lại người bạn thân năm xưa cũng sư đoàn là
Trung pháo binh.
"Tuấn ngừng một chút rồi tâm sự: "Kể
từ ngày họ tịch thu sợi dây chuyền ngũ sắc của mình, ngay ngày hôm sau lên rừng
đốn củi tự dưng mình thấy buồn ngủ ríu cả mắt lại và ngồi tựa gốc cây ngủ lúc
nào không hay. Chỉ một lát sau mình thấy ngay người vợ trong mộng hiện ra, nàng
khóc lóc ôm lấy mình nói rằng mấy năm nay nàng đã đi tìm mình khắp nơi mà không
gặp, một điều bất ngờ nàng nói rằng đã có một đứa con hai tuổi với mình và ôm
con sống trong cô đơn suốt mấy năm nay."
"Trung nhìn sững bạn anh, nếu không phải
người bạn thân đích thực kể cho nghe, chắc anh sẽ không tin câu chuyện này có
thực của một người cõi âm đã đem lòng yêu thương một người trên dương thế là
bạn của anh; người nữ này đã lặn lội từ Nam ra Bắc ôm con đi tìm chồng như
người chinh phụ ngày xưa.
Cuộc đời vẫn luôn xoay vần, Trung những tưởng
là mình sẽ chết và chôn vùi trong xó núi rừng miền Bắc nhưng vì quân Bắc Việt
tấn công qua Kampuchia và Trung Cộng đánh qua sáu tỉnh miền Bắc, nên anh và
những bạn tù được di chuyển từ các liên trại Hoàng Liên Sơn về các trại giam
khác ở miền trung du vào cuối năm 1978.
Nhưng Trung và Tuấn sau lần chuyển trại bị
tách ra về hai nơi khác nhau, không còn gặp nữa.
Những năm sau Trung không được tin tức gì nữa
về Tuấn, không biết bạn mình lưu lạc phương nào, có được trả tự do chưa hay đã
vì mất sợi dây chuyền hộ mạng nên cũng đã chết theo người vợ cõi âm nặng lòng
với mối tình yêu người dương thế? Trung kể chuyện một cách say sưa với nhiều
tình tiết từ đầu đến cuối. Khi anh kết thúc rồi tôi vẫn còn ngẩn ngơ về một mối
tình liêu trai đầy lãng mạn xen lẫn nét huyền bí của bà cụ giải bệnh ma ám cho
Trung Úy Tuấn.
Năm 1983, từ trại Hà Tây anh Trung cùng một số
lớn tù nhân được di chuyển vào trong Nam. Còn tôi cùng với số tù nhân còn lại
trong đó có các thầy và các vị mục sư, linh mục di chuyển về trại Ba Sao Nam
Hà.
Từ đó tôi mất liên lạc với anh Trung pháo binh
nên không biết khi vào trong Nam anh có gập lại nhân vật chính trong truyện.
Nhưng tôi vẫn không bao giờ quên được câu chuyện đầy kỳ bí huyền hoặc và mối
tình tha thiết của người nữ sinh xấu số nặng lòng yêu người dương thế.