Thứ Tư, 11 tháng 2, 2015

Từ chú bé đánh giày thành tổng thống Brazil

Từ chú bé đánh giày thành tổng thống Brazil

     Luiz Inácio Lula da Silva, tổng thống Brazil nhiệm kỳ 2002 - 2010.             

Từ một đứa bé đói ăn, Lula có cơ hội làm việc ở tiệm giặt là nhờ biết đưa tay giúp đỡ những người khốn khó.

Haley
(Dịch từ Historystories)
Chú bé Lula, sinh ra vào tháng 10 năm 1945, tại một gia đình nông dân ở Brazil. Nhà nghèo, nên từ lúc mới 4 tuổi, chú đã phải đi bán đậu phộng ngoài đường, nhưng vẫn quần áo tả tơi, và thiếu ăn. Sau khi lên tiểu học, lúc đó gia đình đã dọn lên thủ đô Rio de Janeiro, tan học, chú bé thường đi với hai người bạn cùng lứa, đánh giầy ở đầu đường, hôm nào không có khách, thì coi như nhịn đói.
Năm 12 tuổi, vào một buổi xế chiều, có một người khách, là chủ tiệm giặt là và nhuộm áo quần đến chiếu cố, ba đứa trẻ chạy lại chào hàng. Ông chủ tiệm nhìn ba cặp mắt van xin khẩn khoản đó, không biết quyết định chọn đứa nào. Cuối cùng ông ta nói: "Ai cần tiền nhất, thì tôi cho đánh giầy, và sẽ trả công 2 đồng".
Công đánh một đôi giầy chỉ có vậy nhưng 2 đồng đúng là một món tiền rất lớn, ba cặp mắt đều sáng lên. Một đứa nhỏ nói: "Từ sáng đến giờ cháu chưa được ăn gì cả, nếu không kiếm được tiền hôm nay, cháu sẽ chết đói!". Đứa khác nói: "Nhà cháu đã hết thức ăn từ ba ngày nay, mẹ cháu lại đang ốm, cháu phải mua thức ăn cho cả nhà tối nay, nếu không thì lại bị ăn đòn". Cậu Lula nhìn 2 đồng bạc trong tay ông chủ tiệm, nghĩ ngợi một lúc, rồi nói: "Nếu cháu được ông cho kiếm 2 đồng này, thì cháu sẽ chia cho hai bạn đó mỗi đứa 1 đồng!".
Luiz Inácio Lula da Silva, tổng thống Brazil nhiệm kỳ 2002 - 2010.
Luiz Inácio Lula da Silva, tổng thống Brazil nhiệm kỳ 2002 - 2010.
Câu nói của Lula làm ông chủ tiệm và hai đứa kia rất ngạc nhiên. Cậu giải thích thêm: "Tụi nó là bạn thân nhất của cháu, đã nhịn đói một ngày rồi, còn cháu thì hồi trưa có ăn được ít đậu phộng, nên có sức đánh giầy hơn chúng nó. Ông cứ để cháu đánh đi, chắc chắn ông sẽ hài lòng".

Cảm động trước câu nói của cậu bé, ông chủ tiệm đã trả cho nó 2 đồng bạc, sau khi nó đã đánh bóng đôi giầy. Và Lula giữ đúng lời, cậu đã đưa ngay cho hai đứa bạn mỗi đứa 1 đồng. Vài ngày sau, ông chủ tiệm đã tìm đến Lula, nhận cậu đến học nghề sau mỗi buổi tan trường ở tiệm giặt nhuộm của ông, thậm chí ông còn bao cả bữa cơm tối. Tiền lương lúc học nghề tuy rất thấp, nhưng so với đánh giầy thì khá hơn rất nhiều.
Chú bé hiểu rằng chính vì mình đã đưa tay giúp đỡ những người khốn đốn, nên mới đem đến cho mình cơ hội làm thay đổi cuộc đời. Từ đó, miễn là có khả năng, chú bé Lula không ngần ngại giúp đỡ những người sống khốn khổ hơn mình.
Sau, Lula nghỉ học đi làm thợ trong một nhà máy. Để bênh vực cho quyền lợi của những người thợ, cậu tham gia vào công đoàn. Năm 45 tuổi, Lula lập ra đảng "Lao động". Năm 2002, khi ứng cử tổng thống, khẩu hiệu của ông là: "Ba bữa cơm no cho tất cả mọi người trong quốc gia này". Và ông đắc cử làm tổng thống Brazil. Năm 2006, ông đắc cử nhiệm kỳ hai.
Trong 8 năm tại chức, ông đã thực hiện đúng lời mình đã hứa: 93% trẻ em và 83% người lớn ở nước này được no ấm. Thực hành đúng tâm niệm: "Giúp đời!". Và nước Brazil dưới sự lãnh đạo của ông đã không còn là "con khủng long nhai cỏ" mà đã trở thành "con mãnh sư châu Mỹ", trở thành nền kinh tế đứng thứ 10 trên thế giới.

Luiz Inácio Lula da Silva đó là tên của tổng thống Brazil nhiệm kỳ 2002 - 2010.

 
Brazil : Đẩy lui nghèo khó, thành công rực rỡ nhất của tổng thống Lula


 

Đưa hàng triệu dân thoát khỏi cảnh bần cùng được coi là thành công rực rỡ nhất của hai nhiệm kỳ tổng thống vừa qua. Nhưng tám năm là một thời gian quá ngắn ngủi để ông Lula giải quyết được tất cả những vấn đề tiêu cực trong xã hội Brazil. Hai nhiệm kỳ của tổng thống Lula đã thay đổi bộ mặt của Brazil đến mức độ nào và đâu là những hồ sơ còn dang dở mà ông để lại cho người kế nhiệm ?

Trong cuộc tuyển cử hôm chủ nhật, 03/10/2010, vừa qua, lần đầu tiên trong hơn một phần tư thế kỷ, ông Lula không có tên trong danh sách các ứng cử viên tổng thống. Hiếm khi nào một vị tổng thống mãn nhiệm dời khỏi chính quyền vẫn còn chinh phục được hơn 80% cảm tình của người dân. Tổng thống Brazil, Luiz Inacio Lula da Silva có lẽ là một ngoại lệ.

Giải thoát cho hàng triệu dân khỏi cảnh bần cùng được coi là thành công rực rỡ nhất của hai nhiệm kỳ tổng thống của ông. Nhưng tám năm là một thời gian quá ngắn ngủi để chiếc đũa thần của Lula giải quyết được tất cả những vấn đề tiêu cực trong xã hội Brazil.

Hai nhiệm kỳ của tổng thống Lula đã thay đổi bộ mặt của Brazil đến mức độ nào và đâu là những hồ sơ còn giang dở mà ông sẽ để lại cho người kế nhiệm ?

Thành tựu vượt bực

Hồi tháng 09/2003, trong một bài diễn văn, ông Lula đã mạnh dạn tuyên bố : Khi ông dời khỏi chính quyền, sẽ không còn một người Brazil nào phải chết đói. Thực tế ngày hôm nay cho thấy, tổng thống Brazil không thực hiện được lời hứa đó. Nhưng trong tám năm qua, Brazil đã có những bước tiến rất dài : 28 triệu dân thoát khỏi cảnh bần cùng và nhất là Brazil đã đứng vững trước cơn bão tài chính 2008-2009. Tháng 5 vừa qua, Chương trình Lương thực Liên Hiệp Quốc vinh danh ông Lula da Silva là nhà « vô địch thế giới trong việc xóa đói » cho một phần nhân loại.

Brazil có diện tính lớn gấp 15 lần nước Pháp, với 193 triệu dân, là nền kinh tế thứ tám của thế giới và lại là một quốc gia giàu tài nguyên thiên nhiên. Brazil cũng là một quốc gia có mạng lưới công nghiệp phát triển chủ yếu nhờ vào các ngành như công nghệ xe hơi, hàng không dân sự hay dệt may. Tổng thống Brazil, xuất thân từ một cậu đánh giầy, đã may mắn lên cầm quyền tại một quốc gia dân chủ, ổn định về phương diện chính trị vào thời điểm kinh tế toàn cầu thịnh vượng, giá nguyên và nhiên liệu, thực phẩm gia tăng.

Cơn bão tài chính 2008-2009 hầu như không ảnh hưởng nhiều đến đà vươn dậy của anh chàng khổng lồ châu Mỹ Latinh này.

Vào lúc mà Âu-Mỹ đau đầu với tỷ lệ thất nghiệp lên tới hai con số, thì số người lao động ở Brazil không có việc làm chỉ là hơn 6%, tức chỉ bằng một phân nửa so với khi ông Lula bước vào dinh tổng thống. Brazil hiện nay là một trong những nước hiếm hoi có tỷ lệ tăng trưởng không thua kém là bao so với Trung Quốc. (7,5% trong năm 2010) 

Đưa dân cư khu nhà ổ chuột ngoại ô Rio de Jeneiro ra khỏi bần cùngReuters

Xóa đói giảm nghèo, điểm son của hai nhiệm kỳ tổng thống

Không phải là một tình cờ mà tổng thống Brazil được danh dự trở thành “nhà vô địch của thế giới” trong việc xóa đói giảm nghèo :

Năm 2002 khi vừa đắc cử, người từng là cậu bé đánh giầy, vốn là công nhân, lãnh đạo công đoàn, từng là chủ tịch đảng của những người Lao động đã ba lần thất bại trong các cuộc tranh cử tổng thống trước khi bước vào vị trí lãnh đạo tối cao, ông Lula da Silva đã coi mục tiêu xóa đói giảm nghèo là ưu tiên số 1.

Tám năm sau, 28 triệu dân Brazil đã thoát khỏi cảnh nghèo khó nhờ vào các chương trình xã hội của chính quyền Lula, nhờ vào các khoản trợ cấp cho các gia đình có thu nhập thấp (Bolsa Familia) nhờ vào chương trình Fome Zero, tức là không có người đói.

Bên cạnh đó chính quyền Lula còn hỗ trợ cho các nông dân nghèo, tăng mức lương tối thiểu cho người lao động, bơm thêm sức mua cho những thành phần cần được giúp đỡ. Kết quả của chính sách xã hội đó là ngày nay, 40 triệu dân Brazil đã trông thấy thu nhập của họ gia tăng, và tầng lớp trung lưu chiếm đến gần một nửa dân số Brazil.

Sinh trưởng ở miền đông bắc nghèo khó, tổng thống Lula da Silva hơn ai hết coi việc mang lại miếng cơm cho người dân là điều tất yếu. Chính sách trợ giúp lương thực đẩy lui đến 76%số người bị suy dinh dưỡng tại đây, vùng quê của ông Lula, trong thời gian từ 2002 đến 2008.

Số người nghèo giảm đi 43% trong thời gian từ 2003 đến 2008. Trong cùng thời kỳ thu nhập của 10% dân số nghèo nhất trong xã hội tăng đều đặn gần 10% một năm (tăng 6% nếu không tính lạm phát) .

Một dấu hiệu khác cho thấy đời sống được cải thiện đó là ngày càng có nhiều cơ quan cung cấp dịch vụ từ chối làm việc trong hai ngày cuối tuần. Theo một chuyên gia ngân hàng tại Brazilia, thì đó là một tín hiệu đáng mừng cho thấy đời sống của người dân đã được cải thiện và bây giờ họ chú trọng hơn đến chất lượng cuộc sống.

Còn tại trung tâm kinh tế của Brazil là Sao Paulo, người ta không còn trông thấy những chiếc xe hơi cũ kỹ, tồi tàn qua lại trên đường phố như ở vào đầu những năm 2000. Tuy là tại đây, các khu nhà ổ chuột còn tồn tại nhưng ở các khu trung tâm, nhà băng, các cửa hiệu sang trọng, quán ăn và các trạm xe điện ngầm đã mọc lên như nấm.
Các chuyên gia khẳng định : Brazil đã lợi dụng thời cơ trong giai đoạn kinh tế toàn cầu đang thịnh vượng để tạo thêm 14 triệu chỗ làm từ 2002 đến 2008.

Brazil đứng ngoài vòng khủng hoảng tài chính toàn cầu

Một bằng chứng khác cho thấy rõ thành công vượt bực của ông Lula trong chính sách kinh tế đó là Brazil không rơi vào vòng xoáy của khủng hoảng kinh tế thế giới. Toàn thể chính khách Brazil, bất luận tả hay hữu đều công nhận là chính quyền của ông Lula da Silva đã hết sức tài tình đưa con tàu kinh tế ra khỏi cơn bão tài chính 2008-2009, chủ yếu nhờ vào một vài biện pháp cơ bản : giảm thuế đánh vào một số mặt hàng, gia tăng tín dụng cho doanh nghiệp để kích thích đầu tư, tăng lương cho công chức nhà nước. Tổng thống Lula lấy sức mua nội địa là chủ đạo. Chỉ ba yếu tố đó giúp Brazil đứng vững bất chấp những cơn lốc từ Hoa Kỳ thổi tới.

Trong số báo đề ngày 29/03/2010, tờ Wall Street Journal của Mỹ nêu lên câu hỏi là dư luận Brazil chờ đợi gì ở người kế nhiệm ông Lula. Câu trả lời là cử tri Brazil mong muốn vị tổng thống tương lai "giữ nguyên chính sách của Lula"

Theo kết quả một cuộc thăm dò dư luận do trung tâm nghiên cứu Pew Researche Center thực hiện gần đây, đa số người dân hài lòng về những thành tựu kinh tế mà Brazil đã đạt được trong hai nhiệm kỳ vừa qua của tổng thống Lula.

62% người được hỏi tin tuởng vào tương lai của một nước Brazil thịnh vuợng, 76% tán đồng chính sách kinh tế của ông Lula. Hơn một nửa những người được tham khảo ý kiến tin là Brazil sẽ trở thành một siêu cường kinh tế của thế giới trong một thời gian không xa.

Chương trình xóa đói giảm nghèo Bolsa Familia của ông được hơn 80% dư luận trong nước hưởng ứng. Hiện nay, hàng tháng chính phủ cấp tới gần 500 triệu euros cho 12,7 triệu gia đình có thu nhập thấp.

Cải thiện hạ tầng cơ sở sẽ là ưu tiên của người kế nhiệm tổng thống LulaReuters

Chênh lệch giàu nghèo

Dù vậy, chênh lệnh giàu nghèo tại Brazil vẫn còn là một mối đau đầu và tổng thống Lula vẫn chưa giải quyết được nạn tham nhũng làm thất thoát hàng năm khoảng 30 tỷ đô la. Trả lời thông tín viên RFI từ Brazilia, chuyên gia kinh tế Paulo Crias cho rằng xã hội Brazil còn nhiều chia rẽ :

« Từ khi tổng thống Lula lên cầm quyền, tôi nhận thấy trong hai nhiệm kỳ qua, ông không thu hẹp được hố sâu ngăn cách giàu nghèo. Về phương diện chính trị cũng vậy, Brazil hãy còn bị phân hóa. Brazil là một quốc gia có đông người nghèo. Chia sẻ cho họ một chút những quyền lợi kinh tế là một tính toán khôn ngoan và chỉ cần một chút như vậy cũng đủ để một phần dân số nước này thoát khỏi cảnh khốn cùng.

Tuy nhiên theo tôi, trong tám năm vừa qua, tổng thống Lula đã đem lại nhiều lợi lộc cho các thành phần giàu có nhất nước nhiều hơn là cho những người nghèo. Ông tạo điều kiện thuận lợi để cho các doanh nghiệp dễ làm giàu. Người giàu lại càng được giàu hơn.

Nhưng công bằng mà nói, do Brazil là một đất nước mà cách biệt giàu nghèo quá lớn, tổng thống Lula không thể san bằng cách biệt đó trong vỏn vẹn tám năm ».

Một vài chấm đen trong bảng tống kết 8 năm cầm quyền của Lula : Brazil vẫn phải đối phó với hiện tượng ma túy, tình trạng bất an ninh và dù đã cố gắng nâng cấp hệ thống y tế và giáo dục nhưng chắc chắn đây sẽ là những hồ sơ mà người kế nhiệm ông Lula da Silva cần phải coi là những ưu tiên ngay từ những ngày đầu tiên khi lên cầm quyền

Công lao của Lula

Về câu hỏi đâu là bí quyết thành công của tổng thống Lula, chuyên gia Samuel Pessoa thuộc viện nghiên cứu kinh tế Brazil nói : « Tổng thống Lula may mắn lên cầm quyền trong bối cảnh chính trị thuận lợi do người tiền nhiệm là ông Henrique Cardoso để lại và đã khéo léo tận dụng lợi thế đó để phát huy thêm chính sách kinh tế theo phương hướng hết sức thực tiễn (…)Thậm chí Brazil đã phần lợi dụng cả đòn bảy kinh tế của Trung Quốc để đi lên ».

Tổng thống Lula lên cầm quyền với phương châm « chỉ duy trì những gì tốt đẹp và có ích cho đất nước » : ông tôn trọng di sản chính trị người tiền nhiệm để lại và tương tự như ông Cardoso, Lula cũng đề ra mục tiêu đưa Brazil trở thành một quốc gia phát triển, một đất nước tiến bộ và thịnh vượng. Nhưng Lula đã can đảm hơn người đi trước : Ông đã tấn công thẳng vào tận gốc rễ những nguyên nhân gây ra cảnh bần cùng cho một phần dân chúng Brazil.

Bí quyết thứ hai tạo cho ông Lula hào quang sáng chói của ngày hôm nay là ông luôn điều hành đất nước một cách hết sức thực tế, sãn sàng điều chỉnh một số những nguyên tắc vì quyền lợi của Brazil : chẳng hạn như dù xuất thân từ giới công đoàn, nhưng ông Lula luôn tìm cách trấn an giới chủ, mở rộng cửa đón các nhà đầu tư quốc tế, trong đó có rất nhiều công ty Pháp đến Brazil hoạt động, tạo một sân chơi bình đẳng để các doanh nghiệp nước ngoài đến Brazil làm ăn, hòng đem lại công việc làm cho thanh niên Brazil vừa gia nhập thị trường lao động.

Là nguời từng đả kích Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế kịch liệt khi IMF buộc Brazilia phải thắt lưng buộc bụng để lành mạnh hóa ngân sách nhà nước, nhưng khi lên cầm quyền, vì quyền lợi quốc gia, ông Lula không ngừng thúc đẩy để Brazil có một tiếng nói quan trọng hơn trong định chế tài chính đa quốc gia này.

Có một thực tế không thể phủ nhận đó là sau hai nhiệm kỳ của tổng thống Luiz Inacio Lila da Sylva, Brazil đã trở thành trong những cột trụ của cả hệ thống kinh tế toàn cầu. Nhưng không chỉ riêng trong lĩnh vực kinh tế cả trên trường ngoại giao, trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, cộng đồng quốc tế không thể tiến tới phía trước mà không có sự đồng thuận của Brazil.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét