Chủ Nhật, 26 tháng 5, 2019

Image may contain: 3 people, outdoor
LÀM SAO QUÊN ĐƯỢC?
Tác giả: KQ Lưu Văn Giỏi
Làm sao ta có thể quên được trong một cuộc giao tranh nào đó, người lính phóng mình ra khỏi hố cá nhân, anh lao người tới, áp đảo quân thù bằng dõng dạc lớn tiếng xung phong, và - liền sau đó - ta thấy anh tựa lưng vào một thân cây hay mô đất, tay ghìm súng trận, mắt mở trừng trừng, nhưng… anh đã tử thương trong một tư thế bắn đứng!
Giữa lúc giao tranh, đang thời hung hiểm, trong tình thế… mạng đổi mạng - bắn chậm thì chết! Ta chỉ còn kịp dừng lại để vuốt mắt cho anh, và nếu có thêm chút thì giờ, ta coi ở cổ anh - xem… có mang theo tấm thẻ bài. Cũng trong cái khoảnh khắc của thời gian chớp nhoáng đó, ta vội gỡ đi những trái nổ, những băng đạn quanh mình và băng đạn trên cây súng của anh, rồi… đi nốt con đường mà anh đi chưa hết.
Sau lưng ta, anh vẫn còn đứng đó với… khẩu súng trên tay và viên đạn đã lên nòng. Nhưng viên đạn này không bao giờ còn được dịp nổ, bởi ngón tay trỏ của anh đã… lơi nấc cò!
Anh đã chiếm được thân cây đó, chiếm được mô đất đó - một phần đất chỉ vừa đủ để đặt hai bàn chân, nhưng cái giá mà anh phải trả, là… sinh mạng của anh!
Trong lúc đó, ở những thành phố sầm uất và hoa lệ, người ta bỏ tiền ra tranh nhau mua từng “chiếc ghế”, mua từng thửa đất để làm tài sản cho mình. Thì ngược lại, ở nơi giao tranh, người lính - với đồng lương khiêm tốn, không đủ mua nửa tháng gạo cho gia đình, nhưng anh chấp nhận trả cho phần đất mà anh vừa chiếm được bằng chính xương máu của anh. Đất đai ở những nơi lửa cháy đạn bay với ngút ngàn chết chóc này, cho dù có biếu không thì cũng chẳng ai dám nhận. Nhưng với người lính - họ nghĩ rằng… đất này là của quê hương! Trong khi thi nhành nhiệm vụ thì không thể để một gốc cây, một tấc đất… lọt vào tay quân thù.
Anh đã thật sự ở lại với thân cây đó, với mô đất đó, và không bao giờ còn chung bước tiến với anh em, với bạn bè đồng đội! Vậy mà trong chiếc ba-lô của anh, người ta đọc được lá thư viết chưa xong từ một KBC nào đó - với những dòng hứa hẹn “… sau cuộc hành quân này anh sẽ về thăm em và con…”
Trong cái khoảnh khắc ở chiến trường - giữa tử sinh cho người lính - không thể tính bằng gang tấc, mà phải được tính bằng… đường tơ kẽ tóc, thì ở những thành phố an bình, người ta vẫn… mua sắm, ăn chơi…
Nếu ở những hộp đêm, người ta tung tiền ra để giành nhau chỗ ngồi gần sân khấu để nghe cho rõ tiếng hát lời ca, để chiêm ngưỡng tận mắt những đường cong tuyệt mỹ trên thân thể đàn bà… bên tiếng nhạc xập xình, bên ánh đèn màu chớp tắt, thì tại chiến trường - người lính đem chính sinh mạng của mình giành nhau với địch từng hố cá nhân, từng giao thông hào, từng công sự chiến đấu. Tại đây, âm thanh dội vào tai họ không phải là lời ca tiếng nhạc, mà là cái âm thanh hỗn loạn… đinh tai nhức óc của đạn nổ bom rơi. Nơi đây cũng không có tiếng kèn đồng xé phổi để đệm cho những câu hát trữ tình bằng những lời hẹn hò… gió trăng ong bướm. Mà chỉ có tiếng kèn thúc quân và khẩu lệnh xung phong của cấp chỉ huy, của bạn bè đồng đội và… của cả quân thù! Là những âm thanh thúc giục con nguời phải mau đem cái sống đi vào chổ chết để… tìm cái sống!
Đêm đêm, ở những hậu phương ấm êm, ở những thành phố xa hoa, có trai thanh gái lịch đua nhau đốt đèn để ăn chơi, để yêu cuồng sống vội. Thì, tại những nơi giao tranh, người lính cũng đốt lên những trái hoả châu từ trời cao rọi xuống. Những trái lửa này tạo thành một thứ ánh sáng thật hoàn chỉnh, đủ để những người cầm súng M-16 và những người cầm AK-47 dễ dàng nhận diện nhau mà… giết nhau kỹ hơn!
Là người lính, không nhiều thì ít, đều có niềm tự hào và hãnh diện về đơn vị của mình bằng những chiến công đạt được. Và ai cũng biết rằng sau mỗi chiến công - dù lớn dù nhỏ, đều có cái giá của NÓ. Chữ NÓ ở đây phải được viết HOA. Bởi nó được tính bằng những phần thân thể của người lính bỏ lại chiến trường, được tính bằng hàng hàng lớp lớp ngã xuống, và bằng… hàng hàng lớp lớp nối tiếp đứng lên. Bởi vậy, bên cạnh niềm tự hào và hãnh diện, ta không sao tránh khỏi những ngậm ngùi xót xa, những bàng hoàng thương tiếc, những mất mác sống còn của kẻ sinh người tử .v.v…
Có chứng kiến được hình ảnh của người lính… một nửa cánh tay treo trước ngực, nghiêm chỉnh chào thượng cấp bằng cánh tay còn lại khi anh được gắn trên ngực áo của mình chiếc huy chương trong buổi… khao quân mừng thắng trận, mà trên đôi má của anh những giòng lệ lăn tròn rơi trên vòng hoa chiến thắng vừa được người em gái hậu phương đền tận tiền đồn choàng vào cổ cho anh, bởi anh vừa bị mất đi những đồng đội, những bạn bè - mà trong đó - có người ở lần đụng độ vừa qua đã bất chấp hiểm nguy, đã coi thường mạng sống, lăn mình ra giữa những lằn đạn của quân thù để kéo xác anh… khi anh bị trúng thương! Những dòng lệ đó đã nói cho thượng cấp biết rằng vòng hoa chiến thắng kia… không phải là của anh, mà là của những người đã thay anh nằm xuống! Vòng hoa và chiếc huy chương mà anh vừa được ân thưởng đã đổi bằng máu và nước mắt của anh, bằng một phần cánh tay của anh đã vĩnh viễn bỏ lại sa trường! Và nhất là bằng sinh mạng đồng đội anh, mà anh tự cho rằng, anh… chỉ là người thừa hưởng.
Trước khi về hậu cứ nhận chiếc huy chương và vòng hoa này, tại chiến trường, anh đã lặng người nhìn những thân xác của bạn bè, đồng đội được cuốn vội vào những chiếc poncho và từng hợp đoàn trực thăng bốc nhanh khỏi mặt đất trong sự ngăn cản bằng những trận mưa pháo của quân thù.
Trong trận chiến của một mùa Hè năm nào, Quảng Trị hấp hối, Quảng Trị tắc thở bởi chiến thuật biển người của kẻ muốn xăm lăng. Người chiến sĩ trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà một lần nữa - lại đem xương máu của mình để đổi lấy sự hồi sinh cho Quảng Trị.
Lúc bấy giờ, Quảng Trị điêu tàn và đổ nát, người dân Quảng Trị trên gương mặt còn đọng nét kinh hoàng! Nhưng bên cạnh sự đổ nát điêu tàn đó, tại hậu phương - qua màn ảnh truyền hình và báo chí, người ta thấy trên nóc Cổ Thành đã tung bay phấp phới ngọn Cờ Vàng như một hào quang rực rỡ bên cạnh… năm người lính dựng cờ. Đâu mấy ai hiểu rằng trong một cuộc chiến kinh hoàng và dai dẳng với sự tấn công qui mô của nhiều Sư Đoàn địch, thì không phải chỉ có năm người lính dựng cờ kia mới… làm nên nghiệp cả. Mà trước đó, nhiều người khác phải ngã xuống và nhiều người khác đứng lên giành lại từ trong tay kẻ thù từng tấc đất quê hương. Nên chi, những người lính dựng cờ kia chỉ là một số rất nhỏ trong một tập thề lớn, có sứ mạng “đi nốt đoạn đường” mà đồng đội và bạn bè… đi chưa hết!
Bất cứ một thành tích nào đạt được trên chiến trường cũng đều như một cuộc… chạy việt dã. Cuộc chạy này không tiếp bằng sức mà phải được nối tiếp bằng sinh mạng của con người! Dựng được ngọn cờ trên đó, “HỌ” phải trả bằng một giá… vô cùng đắt đỏ! Cái giá mà bất cứ một nhà… trọc phú hay tỷ phú nào cũng chẳng thể mua được bằng tiền. Tại nơi giao tranh, cái giá này là sinh mạng của họ và sự mất mát lớn lao của gia đình họ!
Tại hậu phương - một lúc nào đó - chợt nhớ lại… Người ta bèn thương lính bằng cách… đem người lính vào thơ, nhạc, vào phim ảnh, và đem cả người lính lên sân khấu trình diễn cho thiên hạ coi chơi. Người lính của những nơi này thật đẹp đẽ, đẹp như những thư sinh, áo quần thẳng nếp với đôi giày bóng lộn, tóc chải mượt mà, và… để cho “ăn ảnh” hơn, người lính được “make up” cho… má đỏ môi hồng, trên tay bồng đứa con bụ bẫm bên cạnh người vợ trẻ với… da dẻ nõn nà, với mái tóc dài, với tà áo thướt tha, và… còn nhiều, nhiều nữa…
Ôi! Nó vô cùng mỉa mai và chua chát! Họ làm sao thấy được cái cảnh… người lính trong một tiền đồn nhỏ bé ở vùng bất an nào đó. Có người vợ lính, tay ôm con dại, tay nạp đạn cho chồng đang hướng mũi súng về phía quân thù bên tuyến kẽm gai phòng thủ mà… nghiến răng siết cò. Làm sao những nhà soạn kịch thấy được cái hình ảnh giữa một đêm công đồn, có đứa bé chào đời trong điệp trùng bom rơi đạn nổ với lập loè những đóm sáng hoả châu trong một trận chiến mạng đổi mạng, mà trước đó không lâu - cha của nó đã hy sinh bên tuyến kẽm gai phòng thủ. Và mẹ của nó - sau đó - cũng bị trúng đạn của kẻ thù cha nó! NÓ chào đời… không có người đặt tên, và dòng sữa đầu tiên chảy vào cơ thể nó không phải là dòng sữa chảy từ khuôn ngực mẹ hiền, mà là sữa đặc có đường từ lon sữa bò Quân tiếp Vụ, được đồng đội của cha nó… mớm cho nó!
Đó - hình ảnh thật của người lính và vợ con của họ… là thế đó. Ta cũng không trách được những nhà soạn kịch, những người viết bài, vì quanh năm suốt tháng họ chỉ thấy… lính thành phố và lính về thành phố chứ không thấy lính ở chiến trường.
Mỗi Quân Binh Chủng trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà đều có nét đặc thù của “NÓ”. Tuy có riêng biệt, có khác tên nhưng tất cả đều chung mục đích và nhất là tất cả đều đứng chung dưới một ngọn cờ. Những sắc thái nói trên là các ngành nghề, các đơn vị - tuy có đặt nhiều danh xưng khác nhau, nhưng tất cả đều trong một đại gia đình và có cùng một đại từ là Quân Lực.
Khi nói đến người lính Không Quân, ta cũng không quên nói cái đặc biệt của Quân Chủng này. Một Quân Chủng có phương tiện giải quyết chiến trường nhanh và mạnh. Một Quân Chủng mà chỉ cần “vài người” có mặt trên không phận giao tranh cũng có thể tiêu diệt cả Sư Đoàn địch bằng hoả lực từ… trời cao đánh xuống. Quân bạn đang khi sức yếu thế cô, sắp phải “Roméo” mà thấy có “họ” đến thì được coi như tiếp nhận hồi sinh để chuyển bại thành thắng, cuộc diện chiến trường chắc chắn sẽ phải được thay đổi, và cái chữ “Roméo” hay “Zulu” kia cũng sẽ theo những chùm bom, những chùm hoả tiễn (Rocket) mà… chạy ngược về phía quân thù. Bởi, địch dùng chiến thuật biển người thì họ sử dụng biển lửa bằng những trái bom Napalm.
Tuy nhiên cuộc chiến vừa qua ở Việt Nam, là một cuộc chiến tiêu hao, nên cả đôi bên đều không thể có chuyện… bất chiến tự nhiên thành. Có chứng kiến được con tàu lẻ loi bay về một mình sau phi vụ ta mới thấy rằng nhuưng bạn bè mới đây cùng xuất phát với họ đã thực hiện những chuyến bay… không bao giờ hạ cánh! Có thể họ đã tan xác trên không phận chiến trường ở một độ cao vài ngàn bộ, cũng có thể thịt xương họ đã hoà cùng cát bụi với những mảnh vụn của con tàu đã bị nổ tung khi vừa chúi xuống mục tiêu! Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ, thì một con chim vừa gẫy cánh lìa đàn, chắc chắn không tránh sao cả đàn chim không… bàng hoàng xao xác!
Thêm một đặc thù của Quân Chủng này, là… quan thì ra trận, còn lính thì ở nhà. Trong thời gian chiến trường sôi động nhất, nhiều phi tuần khu trục, trực thăng, phản lực, vận tải và quan sát, đã thực hiện… những chuyến bay không bao giờ hạ cánh. Họ bị nổ tung trên trời, nếu may mắn hơn, nhảy dù được thì cũng khó an toàn tính mạng ngay khi còn… lơ lửng trên không phận giao tranh. Trong cái khoảnh khắc… lửa cháy đạn bay đó, có biết bao nhiêu mũi súng thù chĩa ngược lên về phía họ mà siết cò!
Có chứng kiến được những chiếc dù trải rộng trên những tàng cây cao su ven con lộ 13 của chiến trường An Lộc với những thây người toòng teng dưới những mối giây dù mà thân thể của họ và cả chiếc dù bị… lỗ chỗ như tổ ong vì… dấu đạn! - họ đã chết tự bao giờ - thì ta mới thấy nghẹn ngào mà thương cho đời phi công!
Cũng có người may mắn hơn, không bị vướng vào ngọn cây, nhưng họ cũng đã xuôi tay nhắm mắt… trước khi đôi chân chạm đất! Giữa lúc cực kỳ hung hiểm tại chiến trường với những “lưới đạn” đôi bên, thì chiếc dù là vật để che phủ hình hài họ chứ không phải là lá cờ, và dụng cụ thay thế chiếc poncho để gói ghém thân xác, cũng là chiếc dù… đồng số phận với người hoa tiêu!
Có những cái chết mà thi thể họ bị tan xác theo con tàu trước khi họ xuôi tay nhắm mắt gục đầu trên cần lái với tốc độ của khối sắt mang đầy đạn bom, từ trời cao vun vút lao xuống, “chạm” phải tốc độ siêu thanh và ngược chiều của trái đạn từ dưới bay lên! Thì chắc chắn trong cái khoảnh khắc đó, họ không còn đủ thì giờ để biết… mình sẽ chết! Và cũng không còn một chút thì giờ nào để bấm nút interphone mà gọi “MAYDAY!”
Một dịp nào đó, ta sẽ rất ngạc nhiên khi thấy từ không phận giao tranh, họ đang thay phiên nhau “vào trục” quần thảo với quân thù, rồi bỗng, một chiếc vút lên, nghiêng cánh, rời hợp đoàn vội vã quay về… bỏ lại “trục đánh” đàng sau. Có thể người dưới đất hoặc quân bạn nghĩ rằng… họ “lạnh cẳng” bởi những lớp lưới phòng không của đối phương, chứ ít ai hiểu rằng trên con tàu đó, người chiến hữu ngồi cạnh họ đã… gục đầu trên cần lái!
Vậy mà mỉa mai thay - khi nói đến Không Quân, người ta thường nghĩ một cách đơn giản… đó là những người lính hào hoa của thành phố, một loại lính mà… sáng lái xe đi, tối lái xe về. Mới nghe qua, chừng như vô cùng nhàn hạ. Nhưng, người ta nghĩ thế cũng đúng, bởi lẽ dễ hiểu… lính Không Quân là lính phi trường - có phi trường nào lại chẳng ở thành phố?!
Nhưng người ta cũng quên rằng, vào thời gian chiến tranh leo thang như vết dầu loang nhanh trên giấy, thì những “phi trường dã chiến” cũng được vội vàng mọc lên ở những nơi… hút gió đèo heo, khỉ ho cò gáy trên khắp bốn Quân khu. Có những nơi gọi là phi trường, nhưng chỉ là một đoạn đất gồ ghề ngắn ngủn, đi chưa mỏi chân thì… đường đã cụt! - Những “đoạn đường” như thế - trước khi cất cánh - người hoa tiêu phải… gò lưng nghiến răng đạp thắng, đẩy cần hỗn hợp maximum về phía trước, rồi đột ngột “nhả thắng” - ngửa người - kéo sát cần lái vào bụng. Người ta thấy con tàu rú lên, giật mạnh… chồm tới như con ngựa bất kham, thì cũng là lúc… bánh xe vừa “nhả” mặt đất.
Tất cả ngần ấy động tác, chỉ với… 2 tay, 2 chân, 2 con mắt và chỉ trong khoảnh khắc, không được thiếu hoặc trễ cho một động tác nào và nhất định phải được… chính xác. Vậy mà có những lúc bất ngờ gặp “gió ngang”! Hai bánh xe hoặc cánh quạt, hoặc “bờ đụng” của cánh phi cơ cũng “liếm” hoặc “chặt” những ngọn cây. Nguy hiểm là ở chỗ đó và… chết người cũng là ở chỗ đó!
Có những chiếc trực thăng, khi đến điểm đổ quân mà không tìm ra được bãi đáp. Họ phải… gác hờ con tàu trên một chỗ đất nhỏ vừa đủ… đặt hai cái càng xuống, rồi vội vã bốc lên đề nhường chỗ cho… những “cặp càng” kế tiếp. Có chứng kiến được những cặp càng chỉ đặt hờ hửng trên triền đồi có độ nghiêng rất lớn trong trường hợp bất đắc dĩ nào đó, ta mới thấy quả thật… khối sắt treo trên triền đồi, mà trong khối sắt đó còn có nhiều sinh mạng chưa kịp tuôn ra. Cho dù có kinh nghiệm đến đâu, chỉ cần thiếu một chút chính xác thì… Trời vẫn gọi như thường và tuột dốc như chơi!
Nếu không phải trong nghề mà ta thấy họ cho “rơi” một khối sắt với hơn mười sinh mạng từ trời cao để… bám chênh vênh vào triền núi, chắc chắn ta sẽ nghĩ rằng họ… dỡn mặt với tử thần! Dĩ nhiên họ cũng hiểu thế, nhưng… không còn đường chọn lựa! Vì nếu không “dỡn mặt” thì làm sao giải vây được quân bạn đang bị vây hãm dưới triền dốc? Làm sao để thay đổi cuộc diện chiến trường? Những trường hợp như thế không còn gọi là… chỉ mành treo chuông hay ngàn cân treo sợi tóc, mà phải gọi là… “tơ trời treo trực thăng!”
Những phi công tài giỏi nhất của Hoa Kỳ khi tham chiến tại Việt Nam; một địa danh với… trùng điệp núi rừng và sông ngòi chằng chịt, cũng phải nghe… lạnh cẳng ở những bãi đáp bất đắc dĩ có độ nghiêng như thế. Trong một trường hợp nào đó mà những nhà sản xuất trực thăng UH, thấy được có một chiếc trực thăng… bất thần “cúp ga”, nhào xuống bãi để bốc vội vã trên 30 sinh mạng, thì chắc chắn những ông kỹ sư chế tạo phi cơ này sẽ phải… há hốc mồm ngạc nhiên, rồi nếu không đưa tay làm dấu Thánh giá, thì ít nhất cũng phải dành ra nhiều giờ, nhiều phút để thán phục những hoa tiêu gan lì của Việt Nam Cộng Hoà trong thời chiến.
Liều lĩnh như thế, vì họ thừa hiểu rằng “vào” được là may mắn, là phép lạ trời cho, chứ không thể có chuyện tài giỏi, mà nếu có chăng, là… một chút “xâm mình”, vì ở một bãi đáp mà bọn Cộng quân dùng thương binh của ta để làm “mồi”, chờ trực thăng đến rồi “nã” B40 vào, thì khó mà chiếc thứ hai “lọt luới” để váo được! Nên khi “Trời cho” cặp càng của họ chạm đất là họ “hốt” tối đa - họ nhất định không bỏ anh em, không bỏ bạn bè đồng đội, rồi… có ra sao thì ra!
Trở lại những ông kỹ sư chế tạo ra chiếc tàu này. Chắc là sau khi làm dấu Thánh gia trên người, họ còn chấp tay cầu nguyện cho con tàu được về bến đậu bình an, vì các ông chế ra chiếc trực thăng này, chỉ để chở tối đa 10 người lính có trang bị mà thôi, chứ không phải để “nuốt gọn” vào lòng hơn 30 mạng!
Có chứng kiến được những chiếc trực thăng dùng cánh quạt của phi cơ để chặt phăng đi những ngọn cây nhỏ, những bụi trúc rừng để làm bãi đáp, bốc khẩn cấp một toán Lôi Hổ ra khỏi vùng mà chốc lát B52 sẽ đến “trải thảm bom” thì ta mới thấy rằng họ đã chẳng những… không coi tử thần ra gì, mà còn tự mình quyết định… đưa sinh mạng của họ vào chỗ chết để lấy cái sống ra! Mặc dù không ai có quyền buộc họ đáp ở một nơi… không phải là bãi đáp, một nơi mà không có chỗ để đặt cặp càng xuống
Nhất định các trường dạy bay trên thế giới không bao giờ dạy cho họ những bài học quái đản này. Vì nếu làm như thế thì 99 phần 100 là họ sẽ… chết trước khi cứu được người khác! Mà họ chỉ được học những cách… bay đúng và đáp đúng theo bài vở, thứ tự từng động tác. Như người lính bộ binh ở các bãi tập tác xạ được dạy cho “cách bắn đúng” là… đưa súng lên vai - nhắm lại một mắt - ngắm từ lỗ chiếu môn đến đỉnh đầu ruồi - hít hơi vào - nín hơi lại - kéo nấc cò thứ nhất - thở nơi ra một nửa - nín hơi lại, rồi… mới được kéo nấc cò thứ hai, v.v… Trời ơi, đang khi đụng độ, đối diện với quân thù, mà người lính phải làm đủ những động tác theo thao trường đã dạy, thì cho dù anh ta có mười cái mạng… cũng không đủ để mà chết!
Trực thăng cũng vậy. Cánh quạt của bất cứ loại nào cũng đều để “chặt gió” chứ không phải để chặt cây. Nhưng ở trường hợp khẩn cấp, thì cánh quạt của chiếc trực thăng được biến thành cái cưa máy khổng lồ với chỉ có “hai răng” để cứu đồng đội.
Những trường hợp như thế đã sử dụng rất nhiều ở khắp các nơi giao tranh từ Cà Mau đến Bến Hải trong suốt cuộc chiến Việt Nam trước năm 1975. Mà khi “xâm mình” và cố quên đi những bài vở đã học được ở các trường dạy bay, họ thừa hiểu làm như thế là phạm lỗi nặng nề về “an ninh phi hành”.
Trong cuộc chiến oái oăm và phức tạp lúc bấy giờ, những trường hợp “tréo cẳng ngỗng” vẫn thường xảy ra. Trực thăng… liều mạng để cứu quân ta ra khỏi hung hiểm, để khỏi “ăn bom” - dĩ nhiên - được “Tư Lệnh Chiến Trường” tưởng thưởng vì bất chấp hiểm nguy, liều mình cứu bạn. Nhưng khi về tới phi đạo, thì bị “Tư Lệnh Phi Trường” cho lãnh…”củ” hoặc bị điểm tiêu cực vì phạm lỗi an phi!
Sở dĩ có đôi chút… dông dài về trực thăng, vì người viết có rất nhiều kỷ niệm về loại phi cơ này. Bởi, vì ngày đầu tiên nhập ngũ là phục vụ tại Phi Đoàn 1 Trực Thăng với chỉ có vài chiếc phi cơ không phải cổ điển mà phải gọi là… cổ lỗ sĩ.
Ông Yeager của Không quân Hoa Kỳ, với 34 năm trong nghề bay. Ông mang cấp bậc từ Hạ Sĩ đến cấp Tướng. Ông đã bay trên 180 loại phi cơ khác nhau với 10 ngàn giờ bay. Ông cũng là hoa tiêu đầu tiên vượt “bức tường âm thanh”. Vậy mà tại căn cứ Không Quân ở Kaneda Okinawa, khi ông bay thử chiếc MiG 15, do một Trung Úy phi công Bắc Hàn vượt thoát tìm tự do, ông nói:
- MiG 15 là một loại phi cơ phản lực rất tốt, nhưng cái phi cơ này là… cái bẫy giết người biết bay!
Khi nói đến các loại phóng pháo cơ phản lực, ta hiển ngay là nó được chế tạo rất tinh vi. Vậy mà với một phi công kỳ cựu như Yeager phải thốt lên những lời bi quan đó, thì, huống chi các loại phi cơ cũ kỹ với động cơ nổ, mang cánh quạt của… từ hồi Đệ I và Đệ II Thế Chiến còn lại mà hoa tiêu Việt Nam Cộng Hoà phải sử dụng trong suốt cuộc chiến Việt Nam của cả hai thời Đệ I và Đệ II Cộng Hoà.
Với con số thời gian đăng đẵng này, những chiếc phi cơ cổ điển nói trên đã giết không biết bao nhiêu phi công ưu tú của ta! Nếu chiếc phản lực cơ MiG 15 mà chỉ là… cái bẫy giết người biết bay, thì quả thật những phi công của Không Quân Việt Nam đã mặc nhiên chấp nhận ngồi vào những “chiếc hòm bay” trước khi họ cất cánh. Chỉ khi nào trút hết hoả lực xuống vùng giao tranh, trở về phi đạo, đưa con tàu vào bến đậu và sau khi bước chân ra khỏi ghế lái thì họ mới thấy rằng… còn sống. Biết được như thế ta mới nghe thấm thía và mới thấy thương cho họ đã chiến đấu trong một tình trạng… thiếu thốn và eo hẹp.
Ở phần trên ta thấy rằng chỉ khi nào người phi công bước ra khỏi ghế lái thì họ mới thấy… mình còn sống. Dĩ nhiên, điều đó… không ai chối cãi. Nhưng cũng có trường hợp ngoại lệ mà người ta thường gọi là “tới số” hoặc… Trời kêu! Những anh em “cựu trào” trong Không Quân, chắc không quên cái chết của Thiếu Tá Biện - một phi công tài ba và ưu tú của Không Lực Việt Nam, đã chết trong một trường hợp… vô cùng oan uổng, mà chỉ có chứng kiến thì mới… có thể tin. Vì chiếc phi cơ do ông lái đã giết chết ông, sau khi ông leo ra khỏi phi cơ!
Lâu lắm rồi, người viết không còn nhớ vào khoảng thời gian nào. Khi Không Quân Việt Nam được dự định tiếp nhận loại phi cơ B57 để thành lập một phi đoàn. Đây là loại phi cơ chiến đấu có từ thời… cổ lỗ sĩ! Đợt B57 đầu tiên được đưa đến Việt Nam và được làm lễ tiếp nhận thật trọng thể. Lúc bấy giờ, hoa tiêu và cơ khí viên cho loại phi cơ này tại Hoa Kỳ cũng mãn khoá học và đang lục đục về nước để phục vụ. Thì, vào một ngày, tại Việt Nam, Thiếu Tá Biện đã chết ngay dưới cánh của chiếc B57 mà ông lái. Ông Biện “taxi” chiếc phi cơ ra đầu đường bay. Trước khi cất cánh - ông dừng lại - block thắng - leo ra khỏi phòng lái để “làm thêm một lần” kiểm soát các chốt an toàn của bom đạn và hoả tiễn dưới đôi cánh. Dĩ nhiên, lúc bấy giờ trên phòng lái… không có người nào khác. Vậy mà!… chiếc phi cơ với đầy bom đạn… trườn tới, cán ông chết tại chỗ!… Giết ông rồi, “nó” từ từ lăn bánh, rồi cứ đường thẳng mà đi và cuối cùng dừng lại vì chạm phải một mô đất cao và dầy ở… cuối đường bay - cũng là con đường mà nếu “nó” không giết ông trước, thì ông sẽ đưa nó đi giết quân thù.
Cái câu chuyện…”phi cơ cán chết phi công” đối với những hoa tiêu ngày nay trên thế giới, chỉ bay những phi cơ tối tân và trang bị hiện đại, chắc chắn họ cho đó là chuyện huyền thoại, hoặc không, thì cũng là chuyện… hoang đường, chứ làm sao họ biết được rằng hoa tiêu của Không Lực Việt Nam là bậc thầy của họ về cả ba mặt “gan lì, kinh nghiệm mà giờ bay thì cũng trội hơn họ gấp đôi… so với cấp bậc”. Nhưng… cái khó nó bó cái khôn là ở chỗ đó!
Và cũng nhờ cái “tai nạn oan uổng” đó mà trong Quân chủng Không Quân người ta không thấy có… phi đoàn nào được trang bị loại phi cơ B57. Nếu không,thì phi công Việt Nam còn bị những “chiếc hòm bay” này giết chết nhiều hơn.
Cho dù họ biết rằng mình đang ngồi trong… chiếc hòm bay, có nghĩa là đang ngồi trong lòng bàn tay của tử thần, nhưng ở mỗi phi vụ, khi từ trời cao chúi mũi xuống với đôi cánh mang đầy hoả lực, họ không còn thì giờ nghĩ đến những bất trắc sẽ xảy đến. Họ hoà mình trong tốc độ của con tàu, say với chiến thắng của từng động tác “bấm nút”; từng trái bom rơi xuống mục tiêu, từng chùm hoả tiễn phóng ra, từng chiếc xe tăng địch bốc cháy, từng công sự chiến đấu của đối phương bị đánh sập .v.v…
Một Trần Thế Vinh trong trận chiến cách đây 25 năm, khi trên vùng trời giao tranh, bạn bè bay theo và khuyên anh nên… ra khỏi trục, khi thấy tất cả hoả lực phòng không từ dưới đất vun vút lên con tàu của anh. Nhưng trong vô tuyến, người ta nghe anh trả lời:
- Hãy khoan, để tôi “nướng” thêm vài chiếc nữa…
Không ngờ, đó là câu nói sau cùng trong cuộc đời bay bổng của anh, và phi vụ này, anh… không bao giờ hạ cánh! Và từ ngày khởi đầu mặt trận này cho đến khi anh nằm xuống, phòng hành quân đã ghi nhận anh đã đánh cháy 21 tăng địch cùng nhiều ổ phòng không.
Một Phạm Văn Thặng trên vùng trời Tây Nguyên, khi con tàu anh chao đảo bởi trúng phòng không. Bạn bè bay theo, nghe anh la hoảng trong âm thoại:
- Phòng lái bị cháy, cánh tăng nâng không hoạt động…
Tức thì, từ C&C… đến đồng đội trong phi tuần thúc giục anh bỏ tàu mà nhảy dù để được sống. Nhưng anh thản nhiên trả lời:
- Không thể được, trên tàu còn bom đạn nhiều quá! Tôi nhảy dù thì nhất định tàu sẽ đâm vào quân bạn hoặc nhà cửa của dân chúng!…
Anh chỉ nói bấy nhiêu thôi, rồi… im bặt! Một sự im bặt đến rợn người! Dĩ nhiên, bạn bè đã biết cái… quyết định sau cùng của anh! Nhưng ai cũng thầm cầu mong được thấy trên vòm trời lúc bấy giờ có một hoa dù nở rộng. Nhưng không! Người ta thấy con tàu… nghiêng hẳn một bên và thấp dần cao độ, rồi sau cùng… đâm vào vách núi!
Với những cái chết như thế, thiết tưởng những câu mỉa mai và châm biếm “lính thành phố, lính phi trường… hào hoa và trác táng…” mà thiên hạ thường gán cho người lính Không Quân, nó chỉ đúng phần nào khi họ trở về thành phố. Nhưng một khi họ đã ngồi vào ghế lái thì những lời - cho dù là bông đùa kia - phải được đổi lại là… hào hùng và trác tuyệt. Bởi, lúc bấy giờ, họ là những con mảnh hổ… có thêm đôi cánh.
Lưu Văn Giỏi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét