Một Buổi Chiều Của Tháng Mười Hai
Với Nhiều Cảm Xú́c.
Đó là những người bạn đồng đội của mình bất hạnh còn đang kéo lê cuộc sống tại quê nhà. Ông Vũ Đức Nhân không nói gì nhiều, không đao to búa lớn, không hứa hẹn với những điều ngoài tầm tay với. Mà ông chỉ lập lại nhiều lần, là những người bạn của chúng ta, những người “thương binh” hiện nay đang có cuộc sống ở quê nhà hết sức khó khăn, đang cần đến sự đùm bọc của mọi người. Nếu chúng ta không chung tay góp sức, để làm một việc gì đó, chẳng hạn như “tri ân” những người thương bịnh binh, đã một thời cầm súng xả thân ra bảo vệ tổ quốc ngay bây giờ. Chừng vài năm nữa thì những người thương binh nầy cũng không còn, vì hiện nay người nào cũng tuổi tác quá cao, cộng thêm nhiều bịnh tật. Đây là một điều dự đoán rất thật, vì “nhân sanh thất thập cổ lai hi” trong cái kiếp của con người, sống qua được bảy mươi tuổi là một điều rất qúy và rất hiếm.
Tôi đã từng đi dự nhiều cuộc họp của đoàn thể chánh trị trong cộng đồng người Việt ở đây. Nhưng dường như đây là một buổi họp mặt trang nghiêm mà tôi chưa từng thấy. Đặc biệt là cô Thúy Định, phó chủ tịch cộng đồng vừa mới đắc cử lên phát biểu. Một người trẻ đã sanh ra khi cuộc chiến vừa tàn. Cô chưa biết gì về chiến tranh VN, cô cũng không biết nhiều vể chủ thuyết cộng sản. Nhưng cô đã khóc, khi nhìn thấy những bức hình của người thương binh qua một đoạn phim slide thật ngắn…
Những giọt nước mắt của giới trẻ nhỏ xuống trong ngày hôm đó, làm cho tôi thật sự bức rức xốn xang. Làm cho tôi nhớ tới cách nay không lâu, trong một buổi trưa nắng dường như muốn đổ lửa lên đầu. Vậy mà có mấy người tàn tật, họ lết đi bằng cặp mông với thân xác gầy gò, nằm mọp xuống con đường Trưng Trắc Mỹ Tho, gần chỗ tượng đài Thủ Khoa Huân để bán từng tờ giấy số. Xa hơn một chút, là ngoài Bình Thuận. Ngay chỗ dinh Thầy Thím, cũng có một tốp người tàn tật ăn xin. Nhưng họ chỉ ở lứa tuổi từ 12-38 là cùng. Tôi nhìn bao cảnh đó, rồi bâng khuâng tự hỏi. Chiến tranh đã chấm dứt lâu rồi mà, tại sao những người nầy còn phải mang vết tích của đạn bom. Chừng hỏi ra thì những người nầy, họ bị thương vì đào xới những quả bom lép, để cưa ra lấy sắt bán thành phế liệu. Sanh nghề tử nghiệp là một chuyện thường tình, cho dầu có mang một thương tật “đạn bom” dưới bất cứ một hình thức nào đi nữa, điều đó cũng sẽ là một nỗi bất hạnh cho dân tộc Việt Nam…
Chính giọt nước mắt của cô Thúy Định, một người trẻ đang kề vai gánh vác một trách nhiệm nặng nề trong kỳ bầu cử vừa qua làm cho tôi vô cùng cảm kích. Tôi tin rằng đôi vai già nua của những thế hệ trước bây giờ mệt mỏi, cần phải trao trách nhiệm lại cho con cháu của chúng ta sau nầy. Có làm được điều đó, thì cộng đồng người Việt ở đây mới lớn mạnh. Mới bắt chụp được thời thế đang đổi thay, mới hội nhập được xã hội mà chúng ta đang cư trú.
Cô Thúy Định là một luật sư, đang làm việc tại toà án gia đình Parramatta trong nhiều năm qua. Tiếng Việt, tiếng Anh là hai ngôn ngữ để phát triển cộng đồng người Việt ở đây. Có một điều rất đáng mừng, là cô Thúy Định đều nói lưu loát cả hai thứ tiếng. Tôi nhớ mải câu nói của cô “khi con sanh ra, con chỉ biết ba con là lính” nhưng con cũng không ngờ, những người lính, là các chú, các bác, các cô phải gánh chịu những thương tật cho tới bây giờ, làm sao để bù đắp vào những mất mát cuộc đời của mấy bác mấy chú đây. Con rất hân hạnh để có mặt trong cuợc họp mặt nầy, để từ đó con phải biết mình sẽ làm gì trong những ngày sắp tới, để phát triển cộng đồng người Việt đang định cư ở đây. Cháu mong rằng Hội Thương Phế Binh QLVNCH/NSW sẽ hoạt động trong tinh thần bác ái, kêu gọi mọi người đóng góp một số tiền trong bữa tiệc gây qũy sắp tới đây, để gởi về ủy lạo cho gần một ngàn thương bịnh binh đang sống lây lất ở quê nhà. Một số tiền nhỏ nhoi đó, không thể nuôi sống được một đời người, nhưng nó sẽ nói lên một tấm lòng biết ơn đối với những người thương binh vì nước quên mình.
Cũng trong Bản Tin số 1-2013 do Hội Thương Phế Binh /NSW phát hành . Tôi đọc đi đọc lại nhiều lần, những hình ảnh của người thương binh làm cho tôi xốn xang tấc dạ. Rồi tôi liên tưởng tới một cái Tết âm lịch sắp đến, những căn nhà lá tồi tàn, những đứa con nheo nhóc không hề dám nghĩ tới tương lai. Những cuộc mưu sinh đầy tũi nhục, người thì ngồi xe lăn đi xin ăn, nhưng phải trốn tránh công an, vì họ cho rằng làm như vậy là mất đi văn hoá. Nhưng chánh phủ của họ, chưa bao giờ giúp đỡ cho những người nghèo khổ nầy. Còn người nào sức khỏe khá hơn, thì đi bán vé số dạo kiếm sống qua ngày. Hoặc quanh năm suốt tháng ngồi dưới chiếc xuồng câu, núp trong mấy rặng bần, để rình mò câu cho được những con tôm càng xanh. Nhưng chưa bao giờ dám nướng cho vợ con ăn, hay làm mồi nhậu. Bởi thời buổi bây giờ đất chật người đông, kiếm miếng ăn đã khó, lại còn mang thêm thân phận thấp hèn. Bị người đời, nhà đương cuộc rẻ khinh, nên những người thương binh họ thường có cuộc đời khép kín.
Nhưng rồi tôi chợt nhớ tới “anh bạn” người Úc tên là Nick Vujicic đã bị tàn tật bẫm sinh, đang sinh sống tại Melbourne. Hôm nay cưới được một cô vợ người mẫu đẹp như tiên giáng thế. Với tài năng thiên phú của anh Nick, thì anh có quyền tận hưởng những gì mà anh có được. Nhưng có một điều hết sức trớ trêu, đó là nhà cầm quyền Việt Nam, họ mời anh Nich qua Việt Nam để nói chuyện. Không biết anh nói chuyện gì, đề tài có “ăn nhậu” tới những người nghèo khổ hay không. Vậy mà nhà cầm quyền Việt Nam phải trả tiền công cho Nick lên tới một triệu đô la Mỹ quốc. Một số tiền lớn lao đó, nếu đem làm việc xã hội, thì sẽ cứu giúp biết bao gia đình đang khốn khổ thiếu ăn. Nhìn cảnh anh Nick đi máy bay có một đoàn người hộ tống, khi xuống maý bay có một rừng cờ phất phới đón chào. Động lực nào mà bắt nhà cầm quyền Việt Nam, họ chào đón một người ngoại quốc “tật nguyền” một cách quá lố như vậy. Hay là họ muốn mượn hình ảnh của anh Nick để cổ vũ cho cái đám thanh niên thiếu nữ đang nhảy nhót bây giờ. Nhưng có lẽ họ đầu tư không đúng chỗ. Bởi từ chỗ Nich sanh ra, nó khác với những đưá thanh niên đang sanh ra nơi đất Hà Nội, Sàigòn. Cũng như giống cam ngọt trồng ở Giang Nam thì thơm ngon, nếu bứng đem về trồng ở chỗ khác thì không còn thuần giống nữa…
Nhiều tờ báo trong nước, nhiều bài báo ca ngợi anh Nick như một thiên thần. Họ muốn mượn hình ảnh của Nick, để cỗ vũ làm sức bậc cho những người tàn tật ở Việt Nam chăng, để từ đó những người tàn tật nầy, những người thương binh của hai miền Nam Bắc sẽ vươn vai đứng dậy như anh Nick. Nhưng họ đã lầm, anh Nick được sanh ra trong một môi trường tự do dân chủ thuận lợi về nhiều mặt. Anh Nick có đầy đủ phương tiện để học hành, còn những người tàn tật ở Việt Nam cơm không đủ ăn, áo không đủ ấm thì làm sao dám nói tới chuyện học hành, để trở thành một chuyên viên Computer hay bất cứ một chuyên viên gì khác.
Trong đời người, đến lúc cuối đời thì thường cũng có một lời trăn trối. Nhưng phần đông mọi người đều trối với vợ con, sau khi chết phần mộ được xây cất theo ước nguyện. Chỉ có một người thương binh/QLVNCH, đã có một lời trối rất đổi phi thường. Nó vượt lên trên tất cả ước muốn từ trước tới nay, đó là lời trăn trối sau khi chết. Số tiền phúng điếu nhang khói cho anh, sẽ gởi hết về Việt Nam, để giúp đỡ những người thương binh với cuộc sống lầm than bên đó. Còn thân xác của anh, thì cũng chỉ là cát bụi, rồi sẽ trở về cùng cát bụi mà thôi.
Một lời trăn trối rất nhẹ nhàng, nhưng nó lại nói lên tấm lòng của một người lính chiến, lúc nào cũng nghĩ tới đồng đội của mình, cho dầu đang nằm trên giường bịnh. Đó là thương binh Lê Thanh Bình qua đời ngày 29/10/2013, hưởng thọ 66 tuổi. Tang lễ của anh cử hành theo nghi thức phủ lá quốc kỳ. Khi còn chiến đấu, anh là một người lính can đảm hết mình trong nhiệm vụ tháo gở đạn bom ở tại phi trường Bình Thủy Cần Thơ. Khi chết, anh phủ màu cờ tổ quốc. Đơn giản và dễ hiểu. Nếu cuộc sống của chúng ta có ý nghĩa. Còn không thì ngược lại. Cho dầu giàu có, nhà lầu, tiện nghi. Vợ đẹp con xinh, liệu khi nhắm mắt xuôi tay, có được người đời nhắc nhở…
Tôi đọc những dòng chữ, từ đồng đội của anh, từ gia đình của của anh trong ngày tang lễ. Dưới hàng chữ là một con số ($7880) Úc kim, của những người phúng điếu. Rồi đây với một số tiền khiêm tốn đó.Hội Thương Phế Binh phải làm gì đối với trên một ngàn thương binh/QLVNCH đang mòn mỏi kiếp sống ở trong đất nước Việt Nam…
Nếu phân phát ra mỗi người được $100 đô, thì chúng ta có được 78 người đều nhận được một món quà khi qua đời của anh Lê Thanh Bình để lại. Như vậy thì số tiền nầy nó có ý nghĩa thật lớn lao. Hơn hẳn một triệu bạc của nhà cầm quyền Việt Nam đã trao cho anh Nick. Bởi anh Nick hiện tại là một người dư dả, đứa con của Nick vừa mới chào đời thì được nằm trong chiếc xe hơi sang trọng chạy đi chơi. Tới bữa ăn có sữa tốt bậc nhứt ở đây bú no tràn trề ra khóe miệng. Còn những đứa trẻ khốn khổ con của những người thương binh/QLVNCH, khi sanh ra không có tả lót, không có đủ sữa bú để lớn khôn. Khi lớn lên thì phải đẩy xe lăn cho cha mình đi bán vé số, thì nói chi đến việc cắp sách đến trường. Đó là hai nghịch cảnh. Một đàng ở xứ tự do, một đàng ở xứ Việt Nam nghèo đói, còn phải chịu cai trị bởi một nhóm người cuồng tín…
Trong khi đó thì anh Nick hằng ngày làm việc với cái Computer, bên cạnh anh còn có nhiều người phụ tá. Còn những người thương binh, đồng đội cũ của tôi. Có người tay chưn không còn, vậy mà họ phải lặn xuống sông rạch, để chài bắt con tép, con cá đem bán độ nhựt qua ngày. Nhưng họ vẫn can đảm kéo dài sự sống, bởi họ cũng là một con người, nên họ phải chịu đựng với số kiếp hẩm hiu.
Ngày hôm nay ở đây. Tôi xin viết những dòng nầy, trước là để cám ơn anh Vũ Đức Nhân. Một người đã bỏ công sức tâm huyết ra để phục hồi Hội Thương Phế Binh/QLVNCH/NSW. Một việc làm thầm lặng, không ồn ào phức tạp. Nhưng lại là một việc làm thiết thực hiện nay. Bởi nó sẽ nhắc nhở chúng ta “tri ân” tới những người đã một thời hiến thân trai cho tổ quốc.
Cuối tháng mười hai, khi ngọn gió chướng thổi rát sau hè. Ở Việt Nam, những người thương binh đang đối mặt với chuyện “cơm áo gạo tiền”. Nhưng liệu rồi đây trong ngày Tết Nguyên Đán truyền thống, họ có được một nồi thịt heo kho tàu, cùng với một cặp dưa hấu để cúng ông bà hay không. Hay là họ âm thầm trong tủi nhục, điều nầy cũng còn tùy thuộc vào bữa cơn gây qũy sắp tới sẽ được tổ chức tại nhà hàng Crystal Palace Canley Heights. Tôi hy vọng bà con sẽ chung một tấm lòng, để Hội TPB/NSW có thể phân phát những số tiền kiếm được tới tay cho những người thương binh, để họ may cho con cái một bộ đồ mới, mua cái cặp trong lúc tựu trường. Một ước mơ nhỏ nhoi không quá đáng, liệu cộng đồng người Việt NSW có làm được hay không. Đó là một vấn đề mà cả Hội Thương Phế Binh/NSW đang chờ đợi. /-
GHI CHÚ: Tiệc dạ vũ gây qũy (Quà Xuân Gởi Người Thương Phế Binh VNCH). Tổ chức tại nhà hang Crystal Palace 219 Canley Heights vào lúc 7pm thứ sáu ngày 24/1/2014. VÉ ỦNG HỘ $50
Phùng Nhân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét