Thật tình tôi không biết phải xưng hô với các Anh thế nào cho phải đạo, bởi lẽ dù sao đi nữa, các Anh cũng đã có một thời là thượng cấp, là cấp chỉ huy của chúng tôi. Giờ đây, cho dù thời gian có vô tình lặng lẽ đi qua hơn 33 năm, trong lòng chúng tôi vẫn khắc ghi hằng khối những kỷ niệm của một thời binh lửa, thời mà chúng tôi và các Anh còn xông pha giữa lằn tên mũi đạn, thời mà chúng ta còn được vinh dự cầm súng bảo vệ quê hương.
Những trận chiến càng về cuối của năm 1975 càng khốc liệt, người lính chiến chúng tôi đã không nao núng, không rời hàng ngũ mà càng sát cánh hơn với các Anh, không màng nguy hiểm, không sợ cái chết lúc nào cũng sẵn sàng đến với người lính trong thời lửa đạn. Quả tình lúc ấy trong lòng chúng tôi khâm phục các Anh nhiều lắm, các Anh là những người có học thức, được huấn luyện những kiến thức quân sự để trở thành những sĩ quan chỉ huy chiến trường, chỉ huy chúng tôi. Lòng dũng cảm cùng với kiến thức của các Anh đã phát sinh từ trong thâm tâm của chúng tôi một thứ tình đồng đội tình thầy trò trong thời chinh chiến, mặc dù kỷ luật quân đội đã bắt buộc chúng tôi luôn luôn chỉ biết tuân lệnh của các Anh, nhưng trong lòng chúng tôi không hề than oán mà còn cảm thấy thật vui mỗi khi thực hiện được một việc gì cho đơn vị, hay nói đúng hơn là cho các Anh. Chúng tôi là những người lính trơn ít học, nên với những suy nghĩ thật đơn giản lúc bấy giờ: Làm vui lòng các Anh chính là chúng tôi đã làm tròn nợ nước, nhiều lúc tuân hành và thực hiện mệnh lệnh xung phong vào mục tiêu, ôm súng băng mình qua tuyến, chúng tôi chỉ với hai điều tâm niệm: Thắng trận nầy thật nhanh và bảo vệ cho bằng được … các Anh.
Chúng tôi ít học chưa có ý niệm về quê hương dân tộc, chúng tôi thật tình lúc bấy giờ cũng chưa hiểu được thế nào là lòng yêu nước. Chính các Anh đã dạy cho chúng tôi những điều trọng đại ấy và với đầu óc của chúng tôi, chúng tôi chỉ hiểu nôm na: Bổn phận chúng tôi là những thanh niên Việt Nam, chúng tôi phải cầm súng bảo vệ Tổ Quốc, chấp nhận tất cả những hy sinh gian khổ cùng những hiểm nguy mà chiến trường đã dành riêng cho người lính. Và … chúng tôi đã cảm thấy vô cùng hãnh diện với việc làm của mình. Cũng chính vì thế, chúng tôi đã lăn xả vào trận địa để trong mặt trận cuối cùng, chính tôi đã để lại chiến trường một phần thân thể. Không kịp nói lên một lời từ giã các Anh khi trực thăng bốc vội tôi về Quân Y viện. Sáu tháng dài ở bệnh viện đủ cho tôi lấy lại được chút hơi tàn mà đủ sức chống nạng khi di chuyển. Tôi rời khỏi quân đội trong một nỗi buồn không tả được, cuộc chiến đã đến giai đoạn sau cùng và tôi vẫn theo dõi tin tức của Miền Nam, nhất là bước tiến quân của đơn vị cũ của mình.
Ngày Miền Nam hoàn toàn sụp đổ làm tôi chết lặng người, bạn bè đồng đội tôi sẽ ra sao? và nhất là các Anh – những cấp chỉ huy của tôi sẽ ra sao?
Mặc dù đã bị cắt phần tiền thương tật, “học tập” ở xã hết 1 tuần, tôi đã phải bán đi cái radio yêu quý đã theo tôi suốt đoạn đường chinh chiến để lấy tiền tìm đến nhà của các Anh mà hỏi thăm tin tức. Chị nhà cho hay Anh đã bị tập trung “cải tạo”. Tôi buồn quá lủi thủi về nhà, lòng vẫn luôn luôn van vái những an lành sẽ đến với các Anh.
Bạn bè đồng ngũ về quê tôi khá đông nhưng không có công việc làm nên càng bi thảm hơn. Thằng vá xe đạp ở cuối phố, thằng khuân vác, thằng chạy xe ôm, chúng tôi không từ chối bất cứ một việc làm gì để kiếm được chút đỉnh tiền vừa để tạm sinh sống no đói qua ngày vừa gom góp lại được vài mươi đồng nhờ Chị nhà có đi thăm nuôi thì mua một ít thức ăn và đồ dùng cần thiết gởi đến Anh. Chúng tôi dù trong nhọc nhằn vẫn thường hay nhắc đến các Anh, ở trong tù dù buồn nhưng nhận được quà của chúng tôi chắc các Anh cũng vui được phần nào vì nghĩ rằng mấy thằng em vẫn còn nhớ đến ông thầy xưa.
Đó ! Chúng tôi chắc chiu những tình cảm trân quý, thủy chung gởi đến các Anh, mỏi mong các Anh một ngày nào đó được tự do mà tính chuyện quang phục lại quê hương mình. Thằng thượng úy trưởng Công an phường lợi dụng việc cấp giấy phép đi thăm nuôi đã hãm hiếp bà Trung Úy Phúc, sự nhục nhã nầy đã khiến Bà Trung Úy Phúc phải treo cổ tự tử. Tôi nghĩ từ trong tù các Anh buồn và hận lắm.
Ngày Anh được ra tù chắc Anh còn nhớ chứ? Chúng tôi đã đón mừng các Anh như đơn vị của mình được tái lập, bao nhiêu vui mừng không kể xiết, mừng đến rơi lệ, mừng vui khi nỗi mong mỏi rửa nhục của chúng ta đã được gần kề.
Rồi các Anh được sang Hoa Kỳ, niềm vui thật sự càng nhân lên gấp bội, ngày chia tay rượu hồng đã pha nước mắt, tiễn các Anh đi mà lòng thầm mong đợi một ngày về trong danh dự của các Anh.
Chúng tôi – những người lính QLVNCH vẫn ấp ủ một niềm tin tưởng vào các Anh như ngày xưa. Sự ra đi của các Anh là điều kiện thuận lợi cho công cuộc đấu tranh với bọn Cộng sản vô thần đang thống trị quê hương.
Các Anh a. ! Bây giờ thì buồn quá ! Các Anh – những sĩ quan hào hùng của QLVNCH ngày nào, những người Anh của chúng tôi, những Đại bàng, những Bắc Đẩu, Hắc Báo của một thời oanh liệt, một thời tung hoành ngang dọc khắp các chiến trường, các Anh đã có một thời vinh quang và một thời nhục nhã, giờ đây sau hơn 33 năm lặng lẽ, các Anh cũng bị nhòa đi hình ảnh của ngày xưa? Các Anh đã quên rồi sao? Quên rồi những chiến sĩ thuộc cấp của các Anh đã nằm xuống vĩnh viễn trên đất Mẹ thiêng liêng, quên đi những đồng đội còn sống sót trong một tấm thân tật nguyền đau khổ, sống lây lất ở đầu đường xó chợ.
Xin cảm ơn các Anh về những đồng Dollars mà các Anh đã gởi về cho chúng tôi trong chương trình giúp đỡ thương phế binh QLVNCH. Những đồng tiền đó dù có giúp cho chúng tôi trong một thời gian ngắn, dù có an ủi cho những đớn đau vật chất được đôi phần nhưng cũng không làm sao giúp chúng tôi quên đi nỗi nhục mất nước. Chúng tôi cần ở các Anh những chuyện khác, các Anh có thấu hiểu cho chúng tôi hay không?
Tôi đã hiểu vì sao thằng khuân vác ở xóm trên, thằng vá xe đạp ở đầu đường, thằng chống nạng đi bán vé số ở cạnh nhà lại ghét cay ghét đắng đám Việt Kiều. Họ là những người lính năm xưa, họ đã từng tuân hành lệnh của Đại bàng, Thần Hổ xông pha nơi trận mạc, họ đã từng chắt chiu từng đồng bạc nghĩa tình chung thủy gởi vào tận chốn tù đày cho các Anh, họ đã từng uống với các Anh chung rượu ân tình ngày đưa tiễn các Anh lên Phi cơ về vùng đất mới, họ đã từng nuôi nấng một hoài vọng, một kỳ vọng trong ngày về vinh quang của QLVNCH. Nhưng chính các Anh đã làm họ oán ghét, oán ghét đến độ khinh bỉ khi các Anh áo gấm về làng, chễm chệ ngồi dựa ngữa ở nhà hàng khách sạn 5 sao, tung tiền ra để chứng tỏ mình là một “Việt Kiều yêu nước” là “Khúc ruột xa ngàn dặm” về thăm “quê hương là chùm khế ngọt”. Thậm chí có những Anh còn đú đởn với những đóa hoa biết nói biết cười tuổi đáng con hoặc đáng cháu nội cháu ngoại mình.
Các Anh có biết không? Từ trong sâu thẳm của cuộc đời, những người lính của QLVNCH đang lê lết ở ngoài cửa các nhà hàng mà các Anh đang ăn uống vui chơi, đang nhìn các Anh với một ánh mắt hận thù. Hận thù lớn nhất của người lính là sự bội bạc, là sự phản bội. Không biết khi tôi kết tội các Anh là phản bội có quá đáng hay không, nhưng các Anh tự suy nghĩ một chút sẽ hiểu rõ hơn chúng tôi.
Tôi không tin là tất cả các Anh đã biến thái thành những tên Việt gian, nhưng sự trở về như các Anh trong hiện tại là đồng nghĩa với sự phản bội. Các Anh đã phản bội lại Tổ quốc và rõ ràng nhất các Anh đã phản bội lại chúng tôi. Các Anh chống Cộng mà cứ về Việt Nam hà rằm thì còn chống Cộng gì nữa? Ôi ! không lẽ nỗi nhục nầy đời ta không rửa được?
Các Anh kính quý,
Chúng tôi là những người lính năm xưa của các Anh đây. Toàn thể quân nhân và đồng bào đang tin tưởng vào các Anh. Tin tưởng một ngày về rửa nhục, để Mẹ Việt Nam không còn cất lên tiếng than ai oán, để chúng ta cùng nhau trở lại kiếp làm người, chấm dứt đêm trường u tối đã phủ trùm lên Tổ quốc hơn 33 năm dài.
Người lính chỉ biết tuân hành mệnh lệnh của cấp chỉ huy, nhưng qua bức thư góp ý nầy, mong các Anh thứ lỗi cho những suy nghĩ của chúng tôi.
Các Anh, cho dù đã chậm, nhưng chúng tôi vẫn mong mỏi các Anh ở một ngày về.
Trân trọng,
Nhân Trần
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét