Thứ Hai, 23 tháng 2, 2015

Câu Chuyện Về Gia Đình Cố Đại tá Hồ Ngọc Cẩn

Câu Chuyện Về Gia Đình Cố Đại tá Hồ Ngọc Cẩn
Giao Chỉ, San Jose.
Description: nhanvat hongoccan vo


Mùa xuân năm 1959. Họ đạo Thủ Đức có đám cưới nhà quê. Cô dâu Nguyễn thị Cảnh mỗi tuần giúp lễ và công tác thiện nguyện cho nhà Thờ. Chú rể là anh trung sĩ huấn luyện viên của trường bộ binh Thủ Đức. Cha làm phép hôn phối. Họ Đạo tham dự và chúc mừng. Bên nhà gái theo đạo từ thuở xa xưa. Bên nhà trai cũng là gia đình Thiên Chúa Giáo. Cô gái quê ở Thủ Đức, 18 tuổi còn ở với mẹ. Cậu trai 20 tuổi xa nhà từ lâu. Cha cậu là hạ sĩ quan, gửi con vào thiếu sinh quân Gia Định từ lúc 13 tuổi. Khi trưởng thành, anh thiếu sinh quân nhập ngũ. Đi lính năm 1956. Mấy năm sau đeo lon trung sĩ.

Quê anh ở Rạch Giá, làng Vĩnh Thanh Long, sau này là vùng Chương Thiện. Ngày đám cưới, ông già từ quê lên đại diện nhà trai. Đứng trước bàn thờ, cha xứ hỏi rằng anh quân nhân này có nhận cô gái làm vợ không. Chú rể đáp thưa có. Cha hỏi cô gái có nhận anh trung sĩ này làm chồng. No đói có nhau. Gian khổ có nhau. Cô gái Thủ Đức vui mừng thưa có. Anh trung sĩ Rạch Giá phục vụ trường bộ binh đi lễ nhà thờ gặp cô gái xóm đạo Thủ Đức nên kết nghĩa vợ chồng. Cô gái thề trước nhà Chúa, có cả họ Đạo chứng kiến. Cô đã giữ trọn đời làm vợ người lính.

Từ vợ trung sĩ trại gia binh cho đến phu nhân đại tá trong dinh tỉnh trưởng. Cô theo chồng đi khắp 4 phương suốt 16 năm chinh chiến để rồi 30 tháng 4 năm 75 trở thành vợ người tử tội. Cô đem con trở về Thủ Đức lánh nạn chờ ngày chồng bị xử bắn. Dù thăng cấp, dù thắng hay bại, dù sống hay chết, chồng cô vẫn là người anh hùng. Cô mãi mãi vẫn là người vợ lính. Anh lính đầu đời chinh phu của cô lúc lấy nhau đeo lon trung sĩ và khi ra đi đeo lon đại tá. Thủy chung cô vẫn sống đời vợ lính.

Chồng của cô là đại tá Hồ Ngọc Cẩn. Hiện nay cô vợ lính gốc Thủ Đức, sau khi tìm đường vượt biên, đem con trai duy nhất qua Bidong, Mã Lai rồi vào Mỹ sống ở Nam Cali. Cô may thuê. Bán quán nuôi con. Con trai lập gia đình có 2 cháu. Người vợ lính năm xưa từ 75 đến nay, ở vậy thờ chồng đã trở thành bà nội ở chung một nhà với con cháu. Suốt đời vẫn nghèo, nghèo từ trung sĩ mà nghèo lên đại tá. Nghèo từ Thủ Đức mà nghèo qua Chương Thiện. Nghèo từ Việt Nam mà đem theo cái nghèo qua Mỹ. Bởi vì suốt đời chỉ là người vợ lính.

Một đời chinh chiến. Chuyện người chồng.

Hồ Ngọc Cẩn sinh ngày 24 tháng 3 năm 1938. Xuất thân thiếu sinh quân Gia Định rồi nhập ngũ và lên cấp trung sĩ huấn luyện viên vũ khí tại trường bộ binh. Sau khi lập gia đình có 1 con thì anh trung sĩ tìm cách tiến thân xin vào học lớp sĩ quan đặc biệt tại Đồng Đế. Từ anh sinh viên sĩ quan Đồng Đế 1960 cho đến 15 năm sau Hồ Ngọc Cẩn trở thành đại tá tỉnh trưởng kiêm tiểu khu trưởng Chương Thiện, hầu hết cấp bậc đều lên tại mặt trận. Ông đã từng mang mầu áo của Biệt động quân và các sư đoàn bộ binh. Huy chương và chiến công nhiều vô kể.

Suốt một đời chinh chiến từ trung đội trưởng lên đến trung đoàn trưởng, Hồ ngọc Cẩn tung hoành khắp Hậu giang và Tiền giang. Năm 1972 ông Thiệu cho lệnh toàn thể sư đoàn 21 từ miền Tây lên tiếp tay cho quân đoàn 3 giải tỏa An Lộc. Lại cho lệnh tăng cường thêm 1 trung đoàn của sư đoàn 9. Tư lệnh quân khu, ông Trưởng nói với ông Lạc sư đoàn 9 đưa 1 trung đoàn nào coi cho được. Trung tá Hồ ngọc Cẩn dẫn trung đoàn 15 lên đường. Trung đoàn ông Cẩn phối hợp cùng nhẩy dù đánh dọc đường 13 tiến vào An Lộc. Anh đại úy đại đội trưởng của trung đoàn suốt mấy tuần dằng co với địch trước phòng tuyến của tướng Hưng tư lệnh An Lộc, nhưng chưa vào được. Lính hai bên chết đều chôn tại chỗ. Thiết vận xa M113 của ta còn phải lui lại phía sau. Chỉ có bộ binh của trung đoàn 15 nằm chịu trận ở tiền tuyến. Anh sĩ quan kể lại, chợt thấy có một M113 của ta gầm gừ đi tới. A, tay này ngon. Chợt thấy một ông xếp từ thiết vận xa bước ra, phóng tới phòng tuyến của đại đội. Nhìn ra ông trung đoàn trưởng Hồ Ngọc Cẩn. Ông quan sát trận địa rồi hô quân tiến vào. Cùng với tiền đạo của nhẩy dù, trung đoàn 15 bắt tay với lính phòng thủ An Lộc. Sau khi Bình Long trở thành Bình Long Anh Dũng, ông Thiệu hứa cho mổi người lên 1 cấp. Trung tá Hồ Ngọc Cẩn ngoài 30 tuổi đeo lon đại tá trở về trong vinh quang tại bản doanh Sa Đéc. Rồi ông được đưa về làm tiểu khu trưởng Chương Thiện. Vùng đất này là sinh quán của ông ngày xưa.

Cho đến 30 tháng 4-1975 Sài Gòn đã đầu hàng, nhưng Chương Thiện chưa nhận được lệnh Cần Thơ nên Chương Thiện chưa chịu hàng. Chiều 29 sang 30 tháng 4, tiểu khu trưởng vẫn còn bay trực thăng chỉ huy. Khi radio Sài Gòn tiếp vận về tin buông súng, các đơn vị bên ta rã ngũ. Lính tráng từ tiểu khu và dinh tỉnh trưởng tan hàng, đại tá tiểu khu trưởng Hồ Ngọc Cẩn bị lính CS vây quanh khi còn ngồi trên xe Jeep với vũ khí, quân phục cấp bậc đầy đủ. Câu chuyện về giờ phút cuối cùng của người chồng, đã được người vợ kể lại cho chúng tôi. Thực là một kỷ niệm hết sức bi thảm.

Giây phút cuối của Chương Thiện

Bà Cẩn với âm hưởng của miền quê Thủ Đức kể lại qua điện thoại. Cô Cảnh nói rằng suốt cuộc đời chưa ai hỏi thăm người thiếu phụ Thủ Đức về một thời để yêu và một thời để chết. Bà nói:

“Kể lại cho bác rõ, những ngày cuối cùng nhà em vẫn hành quân. Đánh nhau ngay trong tiểu khu. Anh Cẩn vẫn còn bay hành quân. Nhà bị pháo kích. Tuy gọi là dinh tỉnh trưởng nhưng cũng chỉ là ngôi nhà thường. Chiều 30 tháng 4 mẹ con em theo các chú lính chạy ra ngoài. Đi lẫn vào dân. Ở Chương Thiện không ai biết em là vợ tỉnh trưởng. Ai cũng tưởng là vợ lính. Từ xa ngó lại mẹ con em thấy anh Cẩn bị chúng bắt giải đi. Bà con kéo mẹ con em tìm đường chạy về Cần Thơ. Chú lính nói rằng bà không đem con chạy đi chúng nó bắt thì khổ. Em dẫn thằng con nhỏ chạy bộ. Mẹ con vừa đi vừa khóc. Hình ảnh cuối cùng thằng con hơn 10 tuổi nhìn thấy bố ngồi trên xe Jeep, Cộng quân cầm súng vây quanh. Bước xuống xe, anh không chống cự, không vùng vằng, không nói năng. Đưa mắt nhìn về phía dân ở xa, giơ tay phất nhẹ. Như một dấu hiệu mơ hồ cho vợ con. Chạy đi. Đó là hình ảnh cuối cùng đã gần 40 năm qua. Từ đó đến nay mẹ con không bao giờ gặp lại. Thân nhân bên anh Cẩn, mẹ và các chị giữ không cho em và con trai ra mặt. Sợ bị bắt. Được tin anh ra tòa nhận án tử hình. Rồi tin anh bị xử bắn. Thời gian anh bị giam gia đình bên anh có đi tiếp tế nhưng không thấy mặt. Chỉ giao tiếp tế cho công an rồi về. Hôm anh bị bắn ở sân vận động Cần Thơ, gia đình cũng không ai được báo tin riêng, nhưng tất cả dân Tây Đô đều biết. Mỗi nhà được loan báo gửi một người đi coi. Bà chị họ đi xem thằng em bị bắn. Chị kể lại là không khí im lặng. Từ xa, nhìn qua nước mắt và nín thở. Chị thấy chú Cẩn mặc quần áo thường dân tỏ ý không cần bịt mắt. Nhưng Cộng quân vẫn bịt mắt. Bác hỏi em, bà chị có kể lại rõ ràng ngày xử bắn 14 tháng 8 năm 1975. Mỗi lần nói đến là chị em lại khóc nên cũng không có gì mà kể lại. Chúng bịt mồm, bịt mắt nên anh Cẩn đâu có nói năng gì. Suốt cuộc đời đi đánh nhau anh vẫn lầm lì như vậy. Vẫn lầm lì chịu bị bắt, không giơ tay đầu hàng, không khai báo, không nói năng gì cho đến chết. Anh làm trung đội trưởng, đại đội trưởng, tiểu đoàn trưởng, trung đoàn trưởng rồi đến tiểu khu trưởng. Báo chí, anh em nói gì thì nói, anh Cẩn chả nói gì hết.
Bác hỏi em là mồ mả ra sao. Em và con về nhà mẹ ở Thủ Đức. Gia đình không cho em ra mặt. Bà chị và mẹ anh Cẩn đi xin xác không được. Chúng đem chôn ở phía sau Trung tâm nhập ngũ Cần Thơ. Mấy năm sau mới xin được đem về Rạch Giá. Rồi đến khi khu này bị giải tỏa nên lại hỏa thiêu đem tro cốt về nhà ông chú bên Long Xuyên. Ngày nay, em nói để bác mừng là sau khi vượt biên qua Mỹ em đã đưa di hài anh Cẩn qua bên này. Anh Cẩn bây giờ cũng đoàn tụ bên Mỹ với gia đình. “

“Cô đi năm nào”, tôi hỏi bà Cẩn.

“Mẹ con em ở Thủ Đức ba năm sau 75. Đến 78 thì vượt biên qua Pulo Bidong. Ở trại 8 tháng thì bà con bảo trợ qua Mỹ. Qua bên này mình chả biết ai, không ai biết mình. Cũng như bao nhiêu thuyền nhân, mẹ con ở với nhau. Em đi làm nghề may, rồi đi bán quán cho tiệm Mỹ. Bây giờ cháu trai duy nhất của anh Cẩn đã có gia đình sinh được 2 con.”

Chuyện đời người vợ lính thời chinh chiến với kết thúc bi thảm và anh hùng, tôi nghe kể lại thấy lòng xót xa lắng đọng.Tôi bèn quay qua hỏi chị Cẩn sang đề tài khác. “Nãy giờ nói toàn chuyện buồn, cô nhớ lại xem suốt đời từ đám cưới cho tới 75, cô có những kỷ niệm nào vui không.”

Bà Cẩn ngừng lại suy nghĩ.

“Em thấy năm nào tháng nào cũng vậy thôi. Toàn lo việc nhà, nội trợ nuôi con. Anh Cẩn đi đâu thì mẹ con cũng đi theo. Từ trại gia binh đến cư xá sĩ quan. Chúng em không có nhà riêng, không có xe hơi, không có xe gắn máy. Từ Sa Đéc trung đoàn 15 qua đến tiểu khu Chương Thiện, toàn là ở trại lính”.

Tôi hỏi tiếp:

“Cô có đi dự tiệc tùng, mừng lên lon, thăng cấp, dạ hội gì không?”.

“Không, em chả có đi đâu. Ở Chương Thiện em cũng không đi chợ. Dân chúng cũng không biết em là ai. Mua bán gì em về Cần Thơ, đông người, cũng chả ai biết em là ai. Em cũng không có nhà cửa nên cũng không mua sắm đồ đạc. Lương nhà binh cũng chẳng có là bao. Em cũng không ăn diện nên chẳng có nhiều quần áo. Năm 1972 ở An Lộc về, anh Cẩn mang lon đại tá không biết nghĩ sao anh nói với em, vợ chồng chụp được một tấm hình kỷ niệm. Đây là tấm hình gần như duy nhất. Xin bác dùng tấm hình này của nhà em mà để lên tấm bia lịch sử”.

Tôi nói rằng, tấm hình của cô và anh Cẩn rõ ràng và đẹp lắm. Hoàng Mộng Thu có đưa cho tôi xem. Chúng tôi sẽ dùng hình này. Nhưng tôi vẫn gặng hỏi. “Thế bao nhiêu lần anh thăng cấp cô có dự lễ gắn lon không?”.

” Em đâu có biết. Chỉ thấy anh Cẩn đi về đeo lon mới rồi cười cười. Cũng có thể gọi là những giây phút hạnh phúc của đời nhà binh”.

“Thế cô chú ở Thủ Đức có khi nào đi chơi Vũng Tàu tắm biển không?”.

Bà Cẩn thật thà nói rằng.

“Khi anh Cẩn học ở Đồng Đế thì em và con có ra thăm Nha Trang nên thấy biển. Còn chưa bao giờ được đi với anh Cẩn ra Vũng Tàu. Sau này đến khi vượt biên thì mẹ con em mới thấy biển Vũng Tàu…”

Trong số một triệu chiến binh Việt Nam Cộng Hòa, dường như sĩ quan, anh nào cũng có 1 lần đi với vợ con hay người yêu trên bãi biển Vũng Tàu. Hồ Ngọc Cẩn ở Rạch Giá suốt đời chưa đem vợ Thủ Đức đi Vũng Tàu. Trong quân đội, dù là tướng tá hay sĩ quan, anh nào mà chả có thời làm lính. Sau đó mới làm quan. Chỉ riêng cô Nguyễn thị Cảnh, vợ đại tá Hồ Ngọc Cẩn là người đóng vai vợ lính suốt đời. Những ngày vui nhất của chị là thời gian được làm vợ anh trung sĩ hiền lành của trường bộ binh Thủ Đức. Ngày đó đã xa rồi hơn nửa thế kỷ, ở bên kia địa cầu, trên ngọn đồi Tăng Nhơn Phú, có vợ chồng anh lính trẻ mỗi sáng chủ nhật cầm tay nhau để đi lễ nhà thờ.

Theo: Giao Chỉ, San Jose.

Thứ Ba, 17 tháng 2, 2015

Thăm viếng Nghĩa Trang Quân Đội.



Video clip :Thăm viếng Nghĩa Trang Quân Đội.

Thăm mộ Bà Thân , Ông Huynh Và Ông Đệ
 ( Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm và Cố Vấn Ngô Đình Nhu)
 
 

http://youtu.be/Hbv2FX-J6CE


 


Chuyện bây giờ mới kể: Bức tượng “Thương Tiếc”



Chuyện bây giờ mới kể: Bức tượng “Thương Tiếc”

Bức tượng “Thương Tiếc”, nặng 10 tấn, cao hơn 6m,
được đặt tại cổng vào Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa
(Hình: vnrozier)
Khi cuộc chiến leo thang khốc liệt, năm 1966 Nghĩa trang Quân đội tại Hạnh Thông Tây, Gò Vấp, bắt đầu không còn đủ đất để các tử sĩ VNCH yên nghỉ. Chính phủ nền Đệ nhị Cộng hòa của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu phải tính đến việc thành lập một nghĩa trang mới và địa điểm được lựa chọn nằm dọc theo phía tay trái của xa lộ Biên Hòa (nay là xa lộ Hà Nội) nếu từ hướng Sài Gòn đi Biên Hòa.
Kiến trúc sư kiêm điêu khắc gia, Đại úy Nguyễn Thanh Thu, được lệnh của Tổng thống Thiệu lên đường đi Phi Luật Tân để nghiên cứu mô hình xây dựng Nghĩa trang Quân đội Hoa Kỳ tại Manila (American Cemetery in Manila), được coi là một nghĩa trang đẹp nhất Á châu

Nghĩa trang Quân đội Hoa Kỳ tại Manila
(Hình tác giả chụp tại thủ đô Manila, năm 2003, https://www.flickr.com/photos/nguyen_ngoc_chinh/837204065/in/photolist-2gYTAR-2gYTze
Năm 2003, tôi đã có dịp đến Phi Luật Tân và viếng Nghĩa trang Hoa Kỳ tại thủ đô Manilla [1]. Nghĩa trang có tên American Cemetery, đây là nơi chôn cất thi hài quân nhân Mỹ và đồng minh đã nằm xuống trong cuộc chiến ở Thái Bình Dương vào thời thế chiến thứ hai.
Nghĩa trang mằn trên một khu đất rộng 615,000 mét vuông, trồng cỏ xanh rì vây quanh là những hàng cây rợp bóng mát. 17,206 ngôi mộ chiến sĩ được đánh dấu bằng các thập tự giá và xếp hàng thẳng tắp như một đội quân thầm lặng. Điểm xuyết cho nghĩa trang là một vài tượng đài kỷ niệm ghi những dòng chữ tưởng nhớ công ơn những vị anh hùng “vị quốc vong thân”.
 Nghĩa trang Quân đội Hoa Kỳ tại Manila
(Hình tác giả chụp tại thủ đô Manila, năm 2003)
Sau chuyến đi tham khảo tại Phi Luật Tân, Đại úy Thu sẽ phải trình đề án lên Tổng thống Thiệu để giao cho công binh xây dựng một nghĩa trang mới mang tên Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa. Ông còn gợi ý phải có một tác phẩm điêu khắc tại cổng vào nghĩa trang để nói lên sự tri ân của mọi người tại hậu phương trước những tử sĩ được chôn cất tại đây.
Đại úy Nguyễn Thanh Thu xin 1 tuần để suy nghĩ về dự án và trước khi ra về anh còn được Tổng thống Thiệu nhắc nhở bằng những lời rất thân tình: “Anh cần chú ý đến ý nghĩa của nghĩa trang phải xoay quanh “cục nhưn” là bức tượng… Tôi đặt nhiều hy vọng vào anh…”.
Tất cả mọi chuyện chỉ bắt đầu một cách giản dị như vậy. Tuy nhiên, đối với nhà điêu khắc Nguyễn Thanh Thu đó là thời gian anh trăn trở nhiều nhất với những ý tưởng của một nghệ sĩ sáng tạo cho một công trình mang tầm vóc quốc gia nói lên lòng tri ân của mọi người đối với những chiến sĩ đã bỏ mình ngoài chiến trường.
Trong suốt một tuần lễ, hầu như ngày nào anh cũng có mặt tại nghĩa trang Hạnh Thông Tây để chứng kiến những cảnh tang tóc, đau thương của vợ con tử sĩ. Nhà chứa xác đầy nghẹt, những chiếc hòm chưa chôn còn mịt mù nhang khói tại những khu phải căng lều bạt chờ chôn… trong khi trực thăng vẫn hàng ngày tiếp tục chở xác về nghĩa trang.
Ngày cuối cùng của một tuần tìm ý tưởng là vào một buổi trưa Thứ Sáu trên đường từ Nghĩa trang Hạnh Thông Tây anh Thu ghé vào một quán nước gọi ly đá chanh. Và đây chính là giờ phút “định mệnh” khi anh nhìn thấy một người lính thuộc binh chủng Nhảy dù ngồi trước những chai bia và hai cái ly…
Anh lính ngồi nói chuyện với cái ly thứ hai trước sự ngạc nhiên của chủ quán lẫn khách uống nước. Hình như anh lính là người vừa thăm bạn được chôn cất tại Nghĩa trang Hạnh Thông Tây. Một ly anh cúng bạn và một ly anh uống. Anh ngồi vừa uống vừa nói chuyện với chiếc ly!
Cảm động trước hình ảnh một người lính khổ sở khi phải mất bạn, anh Thu cầm ly nước chanh bước qua bàn lảm quen. Anh lính ngước lên nhìn anh Thu với vẻ khó chịu vì sự riêng tư của mình bị người lạ làm phiền và tiếp tục trở về với ly bia “cúng” bạn.
Anh Thu cũng bị lúng túng vì thái độ “bất hợp tác” của anh lính nhảy dù. Mấy cô bán hàng lại cười khúc khích, có lẽ các cô nghĩ nãy giờ có một người “điên” ngồi uống bia nói chuyện với cái ly và bây giờ lại thêm người “điên” nữa lân la đến làm quen.
Người lính tiếp tục gục đầu ngồi độc thoại, phớt lờ những lời xã giao làm quen của anh Thu. Dường như anh tưởng bị quân cảnh hỏi giấy nên lẳng lặng móc bóp giấy tờ cho anh Thu mà không hề ngước mắt nhìn và tiếp tục uống!
Anh Thu cầm bóp trở về bàn mình và ghi lại tên anh lính: Võ Văn Hai, cấp bậc Hạ sĩ, binh chủng Nhảy dù, cả tên tiểu đoàn lẫn KBC (Địa chỉ Khu Bưu Chính của quân lực VNCH). Khi anh Thu trả lại giấy tờ, Hạ sĩ Võ Văn Hai nhét vào túi với vẻ bất cần, cũng không thèm ngước mặt nhìn lên.
Điêu khắc gia Nguyễn Thanh Thu
Khuya Thứ Sáu anh Thu mới bắt đầu vẽ để sáng Thứ Bảy trình Tổng thống. Từ 8g tối đến 6g sáng anh phác thảo được 7 bản vẽ trong tiếng súng và bom thỉnh thoảng vọng về Sài Gòn. Những ý nghĩ ở một hậu phương yên bình trong khi những người lính ngày cũng như đêm xả thân ngoài chiến trường khiến anh Thu dồn hết tâm trí vào những nét vẽ của anh.
Anh Thu hôm đó chỉ ngủ 2 tiếng thì bị đánh thức bởi tiếng chó sủa, thì ra theo lời của vợ anh: “Có người đến nhà mời anh đi trình dự án!”. Họ đến sớm để mời anh đi ăn sáng trước khi gặp Tổng thống Thiệu. Lần trước đây anh gặp Tổng thống để bàn về dự án tại Bộ Tổng tham mưu nhưng lần trình dự án lại là tại dinh Gia Long.   
Lịch gặp Tổng thống vào lúc 9  giờ sáng như vì Tổng thống còn đang tiếp khách nên anh Thu trong lúc đi lại trên hành lang dinh Gia Long bỗng nảy ra câu hỏi “Tại sao lại không vẽ Võ Văn Hai?”. Nghĩ là làm ngay. Anh tưởng tượng một bố cục dựa trên hình ảnh Hạ sĩ Hai ngồi nhớ bạn tại quán nước.
Anh trở ngay vào phòng Đại tá Cầm, tùy viên của Tướng Thiệu, chụp một cây bút nguyên tử, lấy trong giỏ rác một bao thuốc lá và rút mảnh giấy bọc bao thuốc trở ra hành lang ngồi vẽ lại hình ảnh Hạ sĩ Hai.
Một lần nữa, “định mệnh” lại ra tay: trong 7 bản vẽ mang theo, anh Thu thấy bản cuối cùng, một “tốc họa” trên bao thuốc lá tại dinh Gia Long, là bản anh ưng ý nhất. Đến khi vào gặp Tổng thống, anh trải 7 bản vẽ lên sàn nhà trước bàn làm việc, bản vẽ cuối cùng trên bao thuốc lá anh vẫn còn cầm trên tay.
Tổng thống Thiệu sau khi đi tới, đi lui ngắm 7 bản vẽ, ông nói: “Anh là “cha đẻ” của dự án này nên theo ý anh, bức nào làm anh hài lòng nhất”. Phải nói, anh Thu là người thật thà, chất phác, anh thẳng thắn trình bày:
“Thưa Tổng thống, nếu Tổng thống cho tôi chọn lại thì bản vẽ mới đây tôi vừa nghĩ ra và vẽ vội trên bao thuốc lá lại là bản vẽ tôi ưng ý nhất… nhưng tôi sợ mình quá vô lễ để đưa ra tại đây”.  
        
Tổng thống Thiệu vui vẻ và đồng ý xem “tốc họa” trên bao thuốc lá. Ông cầm bản phác thảo Hạ sĩ Võ Văn Hai về ngồi trên ghế ngắm nghía, một lúc sau ông nói: “Anh Thu à, người nghệ sĩ hay lãng mạn lắm mà chiến sĩ của mình thực tế hơn, họ cần một cái tên cho đề tài, anh cho tôi biết đề tài của bức hình là gì đây?”.
Anh Thu lần lượt đề nghị các tên: (1) Khóc bạn, (2) Tình đồng đội, (3) Nhớ nhung, (4) Thương tiếc và (5) Tiếc thương. Cuối cùng Tổng thống chọn tên “Thương Tiếc” cho bức phác họa Hạ sĩ Võ Văn Hai ngồi nhớ bạn. Tổng thống còn nhắc nhở phải làm sao nói lên được ý nghĩa vừa thương tiếc bạn bè nằm xuống nhưng cũng phải thể hiện tinh thần chiến đấu của người lính VNCH lúc nào cũng vững tay súng.
Bất ngờ, Tổng thống yêu cầu anh vẽ một bản thứ hai lớn hơn, vẽ tại chỗ, ngay ở dinh Gia Long. Thế là với dụng cụ giấy vẽ, bảng đen và các loại màu được cung cấp ngay theo yêu cầu, anh Thu bắt đầu… “ra tay” trước mặt Tổng thống Thiệu và một số sĩ quan thân cận của ông.
Anh Thu có thêm yêu cầu cần một người ngồi làm mẫu… và trong số các sĩ quan hiện diện, chính Đại tá Cầm “xung phong” làm… người mẫu! Thực ra thì hình ảnh Đại tá Cầm mặc quân phục chỉnh tề, “ủi hồ láng cóng”, không thích hợp với hình ảnh người lính thật sự nhưng đó chỉ là một hình ảnh gợi ý để sáng tác cấp tốc.
Anh Thu còn xin thêm thêm 1 khẩu súng trường cho Đại tá Cầm để trên đùi, đó là khẩu Garant M1 đang được quân đội sử dụng trên chiến trường… Anh cũng đề nghị trong lúc anh vẽ, tất cả mọi người miễn đặt câu hỏi, vì nếu như thế anh sẽ mất sự tập trung trong sáng tác và sẽ thất lễ nếu anh không dừng vẽ để trả lời.  
Khó khăn của anh Thu là phải hoàn thành tác phẩm trong một thời gian gấp rút, anh tâm sự: “Lúc bấy giờ, không biết có một điều xui khiến vô hình nào đó mà tôi xuất thần phóng bút vẽ lại Hạ sĩ Hai… Không biết là tôi vẽ hay là ai nữa!”.
Nguyễn Thanh Thu
Sau khi Tổng thống Thiệu ký tên vào bức “tốc họa”, anh Thu chỉ có 3 tháng để hoàn tất công trình tượng đài trước ngày 1/11/1967, ngày Quốc khánh của VNCH. Vấn đề trước mắt là đi tìm “người mẫu” Võ Văn Hai trong quán nước ngày trước tại Gò Vấp. Anh đã tìm đến đơn vị của Hạ sĩ Hai và gặp vị Thiếu tá phụ trách đơn vị. 
Thoạt đầu khi nghe anh Thu trình bày vấn đề, vị Thiếu tá có vẻ băn khoăn, suy tính… nhưng khi thấy tận mắt bức họa có chữ ký của Tổng thống Thiệu, ông lại hãnh diện khi có người lính thuộc đơn vị nhảy dù của mình được chọn làm biểu tượng cho người lính VNCH tại nghĩa trang…
Vị Thiếu tá còn ra lệnh cho tập họp đại đội với súng ống đầy đủ để anh Thu chọn “người mẫu”, vì theo ông, trong đơn vị có nhiều người cao to tới 1,7 hoặc 1,8 mét, còn Hạ sĩ Hai chỉ cao chừng thước 1,6… Chính ông Thiếu Tá cũng chọn được 4 người lính lực lưỡng trong hàng đầu còn anh Thu thì chỉ réo tên Võ Văn Hai ở gần cuối hàng quân.
Anh Thu được giao 5 người lính nhảy dù để làm mẫu cho bức tượng Thương Tiếc trong vòng 3 tháng. Anh cũng nói riêng với các “người mẫu”, sự thật anh chỉ cần Hạ sĩ Hai, nhưng tất cả đều được nghỉ phép 3 tháng tại Sài Gòn với điều kiện chỉ được mặc quần áo dân sự để không bị quân cảnh làm khó dễ.
Anh Thu bên bản sao bức tượng “Thương Tiếc”
Chính hình ảnh Võ Văn Hai ngồi tiếc thương bạn trong quán nước đã ám ảnh anh Thu để sáng tạo ra bức tượng “Thuơng Tiếc” ngồi trước cửa Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa. Ngày ngày, anh Hai trong bộ quần áo dân sự đạp xe lên nhà anh Thu, tại đây anh thay bộ quân phục, với ba lô, súng đạn đầy đủ để ngồi làm mẫu.
Một hôm, khi bức tượng gần hoàn chỉnh chỉ còn thiếu chi tiết khuôn mặt, anh Thu đã cố tình để cho người lính ngồi một mình trong phòng, còn anh kín đáo quan sát qua bông gió trên tường. Đây là dụng ý của nhà điêu khắc muốn để anh ngồi một mình nhớ đến người bạn đã qua đời.
Anh Thu có thể thấy từng đường nét diễn biến trên khuôn mặt lúc anh lính ngồi buồn một mình và nhà điêu khắc đã phác họa lại trên giấy khuôn mặt anh. Phần mình, Hạ sĩ Võ Văn Hai lại sợ đã làm chuyện gì khiến Đại úy Nguyễn Thanh Thu phiền lòng nên cho anh về sớm mà không biết ông đã bí mật quan sát! 


Khuôn mặt người lính “Thương Tiếc” bạn được tái hiện qua bức tượng trong cuộc phỏng vấn 
Khoảng 3 giờ sáng anh Thu thức dậy để bắt đầu giai đoạn hoàn chỉnh cuối cùng của bức tượng: nét mặt của người lính. Anh dùng đèn cầy để lấy ánh sáng chiếu vào nhiều góc cạnh, qua đó anh có thể sửa lại nét mặt người lính theo những gì anh phác họa.
Loại ánh sáng nhân tạo qua ánh đèn cầy có tác dụng điều chỉnh các góc cạnh của tác phẩm theo hướng người nghệ sĩ di chuyển từ nhiều phía. Anh Thu hoàn toàn bị cuốn hút vào những cảm xúc trên khuôn mặt người lính. Đó là những giây phút chỉ mình anh và nhân vật của bức tượng trong ánh sáng mờ ảo của cây đèn cầy.    
Sau một giấc ngủ ngắn, anh tỉnh dậy sáng hôm sau để quan sát và so sánh công trình của mình đêm qua dưới ánh đèn cầy với ánh sáng ban ngày. Anh mừng vì khuôn mặt của người lính giữa ánh sáng tự nhiên ban ngày và ánh sáng nhân tạo từ đèn cầy vẫn hiện lên một nét buồn ray rứt.
Như vậy là điêu khắc gia Nguyễn Thanh Thu có thể hài lòng với công trình nghệ thuật kéo dài 3 tháng của mình. Và chúng ta được chứng kiến pho tượng “Thương Tiếc” ngồi trước cổng vào Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa từ năm 1967 cho đến sau ngày 30/4/1957.


Bức tượng “Thương Tiếc” được đắp lại cho cuộc phỏng vấn
***
Chuyện bây giờ mới kể về bức tượng “Thương Tiếc” được viết lại theo nội dung cuộc phỏng vấn của Lê Xuân Trường với nhà điêu khắc Nguyễn Thanh Thu qua một video clip dài 36,57 phút vừa xuất hiện trên Youtube, bạn đọc có thể theo dõi qua địa chỉ:


Cuộc phỏng vấn của Nguyễn Xuân Trường với điêu khắc gia Nguyễn Thanh Thu
Trong clip này, ở phần cuối dài hơn 5 phút, có đề cập đến thời gian đi học tập cải tạo của Đại úy Nguyễn Thanh Thu. Anh tâm sự cuộc đời của mình dính liền với tác phẩm Tiếc Thương, từ “danh vọng” đến “thê thảm”. Tại trại cải tạo trong thời gian bị “biệt giam” 22 tháng trong “thùng conex” [2] với lời buộc tội: “Tướng lãnh, sĩ quan xong giặc rồi là hết, còn anh vẫn lưu lại tư tưởng phản động qua tác phẩm….”.
Cán bộ trong trại chắc cũng chưa từng thấy bức tượng “Thương Tiếc” mà chỉ nghe đồn qua người Sài Gòn vì bức tượng đã bị giật sập và nấu thành kim loại sau năm 1975. Khi ở trong trại được khoảng 8 tháng, có lần “quản giáo” trong trại đề nghị anh Thu khai chỉ đóng vai phụ giúp trong việc tạc tượng còn tác giả đã ra nước ngoài!
Anh Thu đã trả lời một cách khẳng khái rằng anh đã “làm” thì anh “chịu”, tàu chìm thì anh chìm theo, máy bay rớt thì anh rớt theo, tượng chết thì anh chết theo… chứ không thể nào khác được. Anh Thu đã phải trả giá về sự “ngoan cố” của mình, nhưng một “phép lạ” đã xảy ra trên đường ra pháp trường sử bắn…

Nguyễn Thanh Thu diễn tả lại cảnh vì sao anh bị… điếc
Người xem video clip này dễ dàng nhận thấy giữa người phỏng vấn Lê Xuân Trường và người được phỏng vấn, anh Nguyễn Thanh Thu, đôi lúc không có sự “ăn ý” trong đối thoại. Chỉ ở đoạn cuối mới có câu trả lời tại sao anh Thu đã bị “điếc” trong thời gian đi cải tạo khiến cho những đối thoại trong cuộc phỏng vấn không được “trơn tru” như bình thường.
Nguyên do tại sao xin bạn đọc theo dõi phần cuối câu chuyện bây giờ mới kể trên video clip đã dẫn.
Bức tượng Thương Tiếc sau 30/4/1975


Thứ Năm, 12 tháng 2, 2015

Sự thật về nước Mỹ qua lời kể của một du học sinh Trung Quốc

Sự thật về nước Mỹ qua lời kể của một du học sinh Trung Quốc
Trung Quốc, su that, nước Mỹ, du hoc, Bài chọn lọc,

 
 
 
 

Tôi đã từng ôm giấc mộng được học tập ở đó, đã tìm mọi cách để tới được cái xứ sở siêu cường đó.


Tôi có thời gian qua Mỹ khá lâu. Và nói thật, đến giờ này tôi vẫn còn thấy hối hận vì sự lựa chọn đó! Truyền thông phương Tây đã khiến chúng ta mê muội rằng Hoa Kỳ là một xứ sở hiện đại! Tôi đã từng ôm giấc mộng được học tập ở đó, đã tìm mọi cách để tới được cái xứ sở siêu cường đó.
Nhưng than ôi những gì tôi chứng kiến ở Hoa Kỳ rất đáng thất vọng!
1. Công nghiệp
Nước Mỹ thật ra chỉ là một làng quê khổng lồ chậm phát triển!
Hồi trung học, chúng ta đã được dạy rằng, công nghiệp càng phát triển bao nhiêu thì môi trường càng bị xâm hại bấy nhiêu. Chúng ta biết rằng một thành phố công nghiệp tất phải có nhiều ống khói, nhiều nhà máy và khói bụi khắp nơi. Đó là biểu tượng của sự công nghiệp hóa. Thế mà ở tại xứ cờ hoa này lại không có một cái ống khói nào! Họa hoằn lắm mới thấy một vài cái nhỏ tí ti để trang trí nhà cửa thôi!
Và ở Mỹ, bạn cũng chỉ thấy toàn sông hồ trong sạch, chả tìm đâu ra nhà máy giấy, nhà máy luyện thép bên sông! Không khí trong lành thanh khiết này là dấu hiệu của một xã hội sơ khai chứ còn gì nữa! Chả có dấu vết gì của công nghiệp hóa cả!
Trung Quốc, su that, nước Mỹ, du hoc, Bài chọn lọc,
Hồ Flathead, Mỹ – Ảnh minh họa
2. Kinh tế
Người Mỹ hầu như không biết làm kinh tế! Bạn biết đấy, nước họ có chỗ nào mà xa lộ không tới, vươn đến mọi làng mạc xa xôi, thế mà tịnh không thấy một trạm thu phí nào! Thế là mất toi cả núi vàng!
Ước gì tôi có thể xây dựng vài cái trạm thu phí! Chắc chắn dăm bữa nửa tháng là gom đủ tiền mua được cả tòa lâu đài trông ra Đại Tây Dương!
Hai bên xa lộ còn những cụm hồ hoang sơ tĩnh lặng. Thế mà chính quyền cứ để mặc cho lũ chim trời cá nước thỏa sức vẫy vùng, không nghĩ đến việc xây dựng vườn cảnh để thu lợi. Người Mỹ rõ ràng là không có đầu óc kinh tế tẹo nào.
3. Xây dựng
Trình độ xây dựng của người Mỹ còn sơ khai lắm. Ngoài một số ít tòa nhà chọc trời tại các thành phố lớn, tôi dám chắc bạn rất ít gặp những công trình bê tông ở nước Mỹ. Nhà của người Mỹ thường làm bằng gỗ và vài thứ vật liệu nhẹ khác.
Thử nghĩ mà xem, đến giờ này mà gỗ vẫn còn được dùng để xây dựng nhà cửa, thì có thể nói là trình độ kiến trúc của nước ngoại bang này còn thua xa trình độ của triều đại chúng ta xưa kia!
Trung Quốc, su that, nước Mỹ, du hoc, Bài chọn lọc,
4. Văn hóa
Người Mỹ có cách suy nghĩ thật là lạc hậu và khờ khạo.
Hồi mới tới Mỹ, tôi thuê một xe chở hành lý giá 3 đô la. Nhưng tôi lại không có tiền lẻ. Một người Mỹ liền trả dùm tôi 3 đô la đó và vì thấy tôi lỉnh kỉnh đồ đạc nên đã giúp mang lên xe! Người này còn sẵn sàng mở cửa giúp tôi và hỏi tôi có cần giúp đỡ gì nữa không? Thế đấy!
Ở Trung Quốc, mấy chuyện này chỉ có vào thời Lôi Phong tức là vào những năm 50, 60 của thế kỷ trước thôi – còn bây giờ lối cư xử đó quá ư lạc hậu. (Lôi Phong là một thanh niên mà thời Mao thường nhắc tới như một tấm gương về đạo đức).
Hồi đó người ta chuộng lối sống ‘đạo đức giả’ nhưng bây giờ chúng ta không như vậy nữa. Bây giờ chúng ta nên sống thực dụng và trần trụi hơn, đó mới là hiện đại chứ! Tư duy của người Mỹ lạc hậu hơn chúng ta hàng mấy thập kỷ và không có dấu hiệu nào cho thấy họ có thể bắt kịp chúng ta!
5. Ẩm thực
Người Mỹ làm như không biết thưởng thức thịt thú rừng.
Một đêm nọ, tôi cùng các bạn cùng lớp lái xe đi đến một thành phố khác, thình lình có mấy con nai nhảy xổ ra. Anh bạn tôi lập tức thắng lại và bẻ sang hướng khác để tránh. Ai cũng biết tai nạn loại này có thể làm hỏng cả chiếc xe. Thế mà chính quyền đành bó tay không biết phải xử lý tụi thú hoang này như thế nào cơ đấy!
Người Mỹ làm như cũng không biết ăn thịt thú rừng, thậm chí không có nhà hàng nào bán thịt thú rừng, họ chả thiết đến loại thịt thú rừng thơm ngon bổ như hươu nai, và cũng chả thiết lấy sừng bọn thú này để kiếm bộn tiền!
Người Mỹ vẫn sống cùng những con thú hoang dã đó, thậm chí còn đưa ra những biện pháp để bảo vệ chúng. Quả thật, đó là một xã hội còn quá sơ khai!
Trung Quốc, su that, nước Mỹ, du hoc, Bài chọn lọc,
6. Phong cách
Người Mỹ làm như không biết tự trọng!
Các giáo sư Mỹ không quan tâm nhiều đến bề ngoài, họ không hề có cái gọi là phong thái bác học. Giáo sư Davis chẳng hạn, là một giáo sư tâm lý học cực kỳ nổi tiếng thế mà vào giờ nghỉ ông ấy cũng thường ăn bánh bích quy với sinh viên trong văn phòng của mình, và bàn tán xôm tụ với họ về bộ phim 21, hay về minh tinh Trung Quốc Chương Tử Di ! Ông cũng không có phong cách uy nghi của một nhà bác học, và điều đó làm tôi thất vọng ghê gớm!
Các nghiên cứu sinh sau tiến sĩ cũng không bao giờ ghi hai chữ Ph.D. lên danh thiếp của mình như ở nước ta. Họ thậm chí cũng không biết cách thể hiện vị thế của mình. Thành ra những người học với những ông thầy như vậy nếu trở thành những quan chức thì làm sao biết cách đi đứng nói năng cho đúng bộ lệ đây!
Còn ở Trung Quốc, giờ đây các công chức dường như rất biết cách để thu hút sự kính trọng của dân chúng, thậm chí đến cả vị giám đốc của một cơ quan tầm tầm ở Trung Quốc có khi còn uy thế hơn cả Tổng Thống Mỹ cơ đấy! Một công dân hạng ba của Trung Quốc có khi còn xa một công dân hạng nhất của Mỹ là vậy!
7. Học đường
Học sinh tiểu học Mỹ chả có lý tưởng tưởng cao xa gì sất.
Chúng không hề có ý định đi học để trở thành ông này bà nọ trong chính quyền! Không hề có học đường nào dành cho chủ tịch, bí thư, ủy viên tương lai, như tôi đã từng thấy hồi còn nhỏ ở quê nhà. Các em không có bài tập về nhà. Bài tập về nhà kiểu như các học sinh như các học sinh Trung Quốc là khá xa lạ ở Mỹ.
Trường học ở Mỹ chú trọng đến đạo đức, trước hết để giúp cho các đứa trẻ trở thành những công dân có đủ tư cách, sau đó mới tính đến chuyện lý tưởng lâu dài. Trở thành công dân có đủ tư cách ư? Một quan niệm nghe mới cổ hủ làm sao!
Trung Quốc, su that, nước Mỹ, du hoc, Bài chọn lọc,
8. Y tế
Người Mỹ làm lớn chuyện một cách kỳ cục khi có bệnh.
Đầu tiên họ đi bác sĩ khám bệnh, rồi bác sĩ kê toa. Rồi cầm toa đó đi mua thuốc, mua xong còn phải nghe dược sĩ hướng dẫn sử dụng… ôi chao mọi việc chẳng thể nhanh gọn như ở Trung Quốc… Tôi chả hiểu tại sao ở Mỹ lại phân biệt việc khám bệnh với việc bán thuốc… mà lẽ ra nên tách rời lợi nhuận với trách nhiệm!
Rõ ràng là các bệnh viện ở Hoa Kỳ không biết kiếm tiền mà! Sao lại phải nói tên thuốc cho bệnh nhân biết chứ?… chỉ có như vậy họ mới độc quyền bán thuốc với giá cao gấp cả chục lần cơ mà! Có quá nhiều cơ hội làm ăn béo bở thế mà họ không biết tranh thủ khai thác, rõ ràng kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa ở Mỹ đã chết rồi!
9. Báo chí
Ý kiến của công chúng Mỹ thật chả ra làm sao!
 Đôi khi tôi hoàn toàn mất kiên nhẫn với sự ngu dốt và khờ khạo của người Mỹ.
Chẳng hạn khi họ biết Trung Quốc có đài truyền hình và báo chí, họ đã hỏi tôi một câu ngu dốt như thế này: Hóa ra Trung Quốc cũng có báo chí à? Nghe mà bực cả người!
Chúng ta có những tờ báo tiếng Trung được Bộ Truyền Thông cho phép ấn hành sau khi đã rà soát một cách cẩn thận đấy chứ. Báo của chúng ta toàn là những bài ca tụng lãnh tụ lên mây cả, có đâu như báo Mỹ, công chúng đóng góp phê bình loạn cả lên, thậm chí còn dám “chửi” cả tổng thống nữa cơ đấy!
Báo chí chúng ta đâu có chuyện công khai mấy vụ bê bối của quan chức, bởi nếu cứ tung hê lên thì sau này ai mà muốn làm lãnh đạo nữa chứ!
Trung Quốc, su that, nước Mỹ, du hoc, Bài chọn lọc,
10. Tâm linh
Người Mỹ có đời sống tinh thần hết sức vô vị nhạt nhẽo.
Tôi chả hiểu tại sao trước mỗi bữa ăn họ lại lẩm bẩm mấy câu kinh thánh nghe hết sức khờ khạo: “Cầu Chúa phù hộ nước Mỹ”.
Thật là buồn cười quá đi: Nếu Chúa phù hộ nước Mỹ thì làm sao lại để nước Mỹ lạc hậu, sơ khai, đơn giản đến thế này? Cầu Chúa có ích lợi gì chứ? Thực tế nhất là bạn nên dành thời gian đó để đi lễ thủ trưởng như ở nước ta!
 Đó mới đúng là hiện đại chứ lỵ!
11. Lối sống
Người Mỹ chả có khái niệm về thời gian.
Bất luận chuyện lớn chuyện nhỏ, người Mỹ đều ngoan ngoãn đứng vào hàng chờ đợi…
Còn chúng ta – như bạn biết đấy – khôn hơn nhiều!
Bất kể đám đông như thế nào, chúng ta vẫn có kỹ năng chen lấn tuyệt vời, điều này giúp tiết kiệm thời gian, và tránh được sự mệt mỏi khi đứng chờ!
Nếu ai đó biết đi cổng sau thì kết quả tiết kiệm thời gian còn tuyệt hơn nữa..
Thế mà những người Mỹ lẩm cẩm lại không biết đến những điều hay ho đó cơ chứ!
12. Mua bán
Những cửa hàng ở Mỹ có một phong cách buôn bán hết sức vô lý: Bạn có thể đem trả lại hàng hóa vài tuần sau khi đã mua về mà thậm chí cũng không cần nêu lý do. Ở ta thì làm gì có chuyện cho đổi hàng mà không hò hét quát tháo nhau ra trò chứ!
Trung Quốc, su that, nước Mỹ, du hoc, Bài chọn lọc,
13. An toàn 
Nước Mỹ không an toàn chút nào! Tôi nói điều này bởi có tới 95% nhà dân không có tới lưới chống trộm và lại không có hàng rào xung quanh, và điều kỳ lạ nữa là: Chả biết mấy tên trộm đi đâu hết rồi? Có nhiều ngôi nhà đẹp đẽ sang trọng mà ban đêm nhiều người Mỹ còn không biết khóa cửa lúc họ đi ngủ nữa. Thật mất an toàn hết sức!
14. Giao thông
Người Mỹ sao mà nhút nhát và yếu đuối quá vậy không biết! Tôi nói điều này cũng bởi có tới 95% tài xế không dám vượt đèn đỏ! Ở nước ta thì phần lớn tài xế đều có thừa dũng cảm vượt đèn đỏ.
Và mặc dầu 99% dân Mỹ có xe hơi, vậy mà cách lái xe của họ thật lạ: Bao nhiêu là xe cộ lưu thông nhưng không mấy khi nghe tiếng còi xe, phố xá vì thế vắng lặng đến nỗi cứ ngỡ không phải là phố xá nữa, tại sao người lái xe lại không bóp còi inh ỏi cho sướng tay như ở bên  ta nhỉ? Phố xá bên Mỹ làm sao mà bì được với phố xá ồn ào náo nhiệt ở Trung Quốc cơ chứ!
15. Tình cảm
Người Mỹ rất là thiếu tình cảm và hình như không có cảm xúc. Có tới 95% nhân viên người Mỹ không nghĩ tới việc phải làm gì cho tiệc cưới của sếp hoặc của con cái sếp, họ chẳng bao giờ phải vắt óc tìm ra lý do để chăm sóc sếp của mình. Ở Trung Quốc liệu có ai điên đến mức bỏ qua cơ hội chăm sóc sếp của mình không? Nói cách khác, có ai dám làm điều đó không? Hãy xem, người Trung Quốc chúng ta có biết bao nhiêu là tình cảm thương mến đối với lãnh đạo!
16. Nhạy bén
Người Mỹ không nhạy bén chút nào! 99% người Mỹ đều đi học, đi làm, và thăng quan tiến chức, mà không hề biết đến sự cần thiết của “phong bì” để có thể mở ra một cánh cửa… sau, để giúp cho họ được thăng quan tiến chức nhanh hơn, giống như người Trung Quốc chúng ta!
Vậy thì còn đi Mỹ để làm gì nữa cơ chứ??!!!!
NGUỒN: Xuất hiện lần đầu tiên trên mạng xã hội Sina Weibo của Trung Quốc, bài viết này đã nhận được hàng chục ngàn chia sẻ và bình luận.
Tờ Tea Leaf Nation đã trích dịch, biên tập lại những phần cốt lõi nhất của bài viết nói trên.

Thứ Tư, 11 tháng 2, 2015

TÌNH VÀ NGHĨA CỦA NGƯỜI LÍNH XƯA


TÌNH VÀ NGHĨA CỦA NGƯỜI LÍNH XƯA

 


·

Tình và Nghĩa

Hôm lễ July Fourth (Lễ Quốc Khánh hay còn gọi là Lễ Độc Lập) của Mỹ, mình có tới nhà một cựu sĩ quan VNCH lớn tuổi chơi, nghe qua câu chuyện kể. Thế là mình ghi lại gữi qúy bạn...)
********
Vợ ông Thuận sau cơn bạo bệnh đã mất cách nay hơn 10 năm. Các con trai và gái của ông bà đều lớn cả và có gia đình nên ông ở chỉ có một mình. Từ ngày vợ mất, ông đã ngoài 65 nhưng vẫn còn tráng kiện và khoẻ mạnh.
Cái tin ông về VN mấy lần, khá tốn kém để cưới vợ qua Mỹ làm chấn động cả một thị trấn nhỏ, hơi có tin lành dữ gì là ai cũng biết. Dĩ nhiên đâu có ai có thiện cảm với một ông lão 75 tuổi về VN cưới 1 cô gái trẻ đẹp mới ngoài 20 chỉ đáng tuổi con cháu chắt. Đúng là trâu già thích gặm cỏ non!
Ra phi trường đón cô gái trẻ ấy chỉ có một mình ông. Tất cả con cháu, họ hàng không có một người nào. Thái độ đó ông thừa hiểu là họ phản đối!
Giấy tờ hợp lệ, hôn thú hẳn hoi, ông đưa cô về nhà.
Đêm đầu tiên cô gái cơm nước xong, tắm rửa sạch sẽ, ngồi coi tivi, cô chưa biết tiếng Anh nên ông mở mấy băng Paris By Night, Asia.. cho cô coi. Khuya, ông chỉ tay vào một căn phòng và nói:
- Đó là phòng riêng của Hằng, tất cả đồ đạc có đầy đủ, Hằng cứ tự nhiên.
Nói xong, ông đứng lên đi vào phòng của ông.
Cô gái hơi ngạc nhiên nhưng chỉ nghĩ là bên Mỹ vợ chồng ngủ riêng mỗi người một phòng, khi nào cần làm "chuyện ấy" thì mới...mò sang! Hix!
Nhưng cả tháng sau cô chờ hoài mà vẫn không nghe tiếng ông gõ cửa hay có thái độ nào khác!
Sau khi hoàn tất mọi thủ tục bổ sung để làm giấy tờ như thẻ SS (Social Security), thẻ ID, permanent resident card (thẻ xanh thường trú nhân)... Ông nói nhẹ nhàng nhưng nghiêm trang với cô:
- Từ mai tôi sẽ chở Hằng đi học ESL, sau một thời gian, sẽ đăng ký học tiếp ở college, Hằng phải cố mà học, tôi không sống mãi mà bảo bọc cho cô được đâu.
Ở cái xứ sở này, đâu ai để ý ai, đâu ai biết, đó là vợ chồng hay cha con, chỉ thấy ngày ngày ông chở cô đi và đón cô về, ân cần thăm hỏi động viên học hành.
Cô chỉ biết vâng dạ.
Những đêm xa nhà, xa quê hương một mình nơi đất khách quê người, người ta mới hiểu thế nào là cô đơn cực kỳ, là cần hơi ấm người đồng hương, là thèm một tiếng nói dù là tiếng nói của một ông già. Nhiều lần cô lưỡng lự, muốn qua gõ cửa phòng vào nói chuyện với ông nhưng rồi lại thôi.
Một năm thấm thoát trôi qua. Cô còn trẻ lại khá thông minh nên tiến bộ trông thấy, cô apply vào trường college và vượt qua các test để vào ngành y tá.
Ngày cô đi thi quốc tịch cũng là ngày ông mừng ra mặt khi cô báo tin đã pass (đậu).
Rồi ông đốc thúc cô nhanh chóng bảo lãnh cha mẹ qua Mỹ! Cô còn đi học nên tất cả mọi chi phí ông đều đài thọ.
Ba năm sau cô và ông ra đón cha mẹ cô và đứa em nhỏ dưới 21 tuổi. Từ xa, bố vợ của ông tách khỏi gia đình, chạy lại ôm chầm lấy ông, mắt đã nhoè lệ và kêu lên sung sướng:
- Ông Thầy!
Thì ra ông Thuận nguyên là sĩ quan tiểu đoàn trưởng, thuộc trung đoàn 50, sư đoàn 25 bộ binh VNCH. Còn "ông bố vợ", bố của Hằng nguyên là một trung sĩ, thuộc cấp của ông.
Hai thầy trò ôm nhau mừng mừng tủi tủi.
Chỉ đến khi ông và Hằng ra toà ly dị các con ông mới vỡ lẽ. Họ biết là họ đã sai lầm.
Ngày xưa sau 1975, lúc ông phải đi tù cải tạo, người lính thuộc cấp ấy đã phải đạp xích lô nuôi gia đình bữa no bữa đói mà vẫn chia sẻ giúp đỡ gia đình ông dù chỉ là những đồng tiền khiêm tốn. Những lần vợ ông đi thăm nuôi gần như là toàn bộ đồ dùng người thuộc cấp mua cho ông.
*****
Ông bùi ngùi nói với tôi:
- Chú Hòa biết không, những ngày trong trại cải tạo, là những ngày đói triền miên, đói vô tận, đói mờ mắt, đói run chân thì 1 cân đường, 1 kg chà bông, 1 bịch đậu phọng, vài viên thuốc qúy... hơn vàng nhưng những thứ đấy vẫn không qúy bằng cái tình nghiã mà người lính dành cho mình. Chính cái tình nghiã ấy cho tôi niềm tin và hy vọng.
Khi qua Mỹ, tôi được tin gia đình chú ấy kiệt quệ, đau bệnh liên miên, tiếp tế vài ba trăm cũng chỉ nuôi được mấy tuần, nên tôi đành phải bàn ... làm rể "giả" của chú ấy. (Ông hóm hỉnh khi nói câu này)
*****
Tôi hiểu câu chuyện, thì ra ông về VN "giả" cưới cô Hằng là để đền ơn người thuộc cấp đã cưu mang giúp đỡ ông và gia đình sau 1975.
Nhưng tôi vẫn còn thắc mắc:
- Thế sao cô Hằng không biết chú là cấp chỉ huy của ba cô ấy?
Ông mỉm cười:
- Đám cưới giả mà, phải giữ bí mật chứ, chỉ có 2 người biết là tôi và người lính ấy.
Tôi nhắp ngụm bia, bỗng nảy ra ý tưởng, tôi nói:
-Chuyện của chú cháu đưa lên... facebook được chứ?

- Tôi chỉ làm một việc rất bình thường. Sống có tình có nghiã là vui lắm rồi, cần gì òm ĩ...
Hằng và các con ông đang ngồi ăn uống vui vẻ, Hằng đứng dậy đi về phiá tôi và nói:
- Anh Hòa, anh cứ đưa lên facebook cho em, coi như là lời cảm tạ người Bố thứ 2 của em vậy!
Tôi thấy mắt Hằng long lanh!